In bài viết

Bộ GTVT: Tiếp tục rà soát để điều chỉnh cách lắp đặt biển báo

(Chinhphu.vn) - Theo phản ánh của ông Cù Xuân Thắng (Kon Tum), hiện nay biển báo giáo thông được đặt phía bên phải và bên trong của lề đường, tuy nhiên, vị trí đặt này làm khuất tầm nhìn của tài xế, dẫn đến vi phạm về tốc độ, nhất là đường có nhiều làn đường và vào ban đêm, hoặc trời mưa.

22/11/2023 10:02

Vừa qua nhiều vụ tai nạn giao thông vi phạm về tốc độ cũng là do vị trí đặt biển báo không phù hơp, khuất tầm nhìn. 

Để góp phần giảm tai nạn giao thông, ông Thắng đề xuất sửa đổi quy định, đặt biển báo trên thanh long môn giống trên đường cao tốc để tài xế dễ nhìn thấy.

Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:

Theo quy định của Quy chuẩn Việt Nam QCVN:2019/BGTVT thì: "Biển báo được đặt thẳng đứng, mặt biển quay về hướng đối diện chiều đi; đặt phía bên phải hoặc phía trên phần đường xe chạy ( trừ các trường hợp đặc biệt). Ngoài ra, tuỳ từng trường hợp, có thể đặt bổ sung bên trái chiều đi". 

Ngoài ra, Quy chuẩn trên và các văn bản quy phạm pháp luật về đường bộ có quy định một số nội dung khác về nội dung, quy cách, kích cỡ và cách lắp các biển báo…

Cách lắp đặt biển báo trên của Việt Nam đã được thực hiện ổn định từ trước khi có Luật Giao thông đường bộ 2008, đồng thời phù hợp với Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ mà Việt Nam đã ký tham gia; phù hợp với với các quốc gia có quy tắc giao thông đi về bên phải chiều đi như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đức, Pháp… Đồng thời đã được sự đồng thuận của các nước ASEAN, các tổ chức quốc tế về đường bộ khi Việt Nam cắm biển báo các tuyến đường bộ trong hệ thống đường quốc tế (Đường AH) của ASEAN, Châu Á.

Việc sửa lại để quy định đưa toàn bộ biển báo hiệu lên giá treo (giá long môn), cần vươn về cơ bản đã được quy định tại Quy chuẩn trên, tuy nhiên không khả thi do:

- So với biển lắp bên phải chiều đi, biển báo lắp trên giá long môn, cần vươn có chi phí rất cao, nên không thể đủ nguồn lực thực hiện trong điều kiện Việt Nam có trên 610.000 km đường bộ (trong đó có 25.100 km quốc lộ, đã đưa vào khai thác trên 1.800 km cao tốc, còn lại khoảng 583.000 km đường đô thị, đường địa phương khác), đồng thời còn nhiều nhiệm vụ cấp thiết khác.

- Không phải tuyến đường hoặc đoạn đường nào cũng cần lắp biển báo trên cần vươn hoặc giá long môn, nhất là đường có lưu lượng giao thông thấp, rất ít có ùn tắc giao thông, đường hẹp, đường dành cho xe thô sơ…

- Trong một số trường hợp cần lưu hành xe quá khổ giới hạn về chiều cao thì lắp đặt biển trên giá long môn, cần vươn sẽ bị ảnh hưởng.

- Việc thay đổi toàn bộ biển báo cũng chưa phù hợp với thông lệ quốc tế như đã báo cáo trên.

Như vậy việc quy định cắm biển và thực hiện cắm biển báo hiệu đường bộ của Việt Nam hiện nay là đủ căn cứ pháp lý, có cơ sở khoa học và thực tế, phù hợp thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên nhiều tuyến đường bộ có nhiều hơn 2 làn đường ô tô mỗi chiều; hoặc đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn, nhất là giờ cao điểm dẫn đến ùn tắc giao thông, phương tiện đi sát nhau, dẫn đến người tham gia giao thông khó quan sát được biển báo lắp đặt bên phải đường.

Đây là tình huống phát sinh trong quá trình khai thác sử dụng đường bộ và là một trong các tồn tại, bất cập mà Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Ban An toàn giao thông các tỉnh thường xuyên kiểm tra có ý kiến chỉ đạo khắc phục các bất cập trong tổ chức giao thông theo Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và chính quyền các địa phương tiếp tục rà soát để điều chỉnh cách lắp đặt biển báo đối với các đoạn tuyến cần lắp biển trên cần vươn, giá long môn và các nội dung khác để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên đường bộ được nâng cao.

Chinhphu.vn