Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa chức năng xây dựng thể chế, hoạch định chiến lược, tham mưu các cơ chế, chính sách đột phá cho Chính phủ để tạo động lực thực hiện thành công các cải cách kinh tế |
Thông báo kết luận nêu rõ, năm 2017 là năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, trong bối cảnh thế giới bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu hướng hội nhập quốc tế, phụ thuộc lẫn nhau ngày càng sâu sắc tác động mạnh đến các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7% thì việc ưu tiên tập trung xử lý các "điểm nghẽn" để tái cơ cấu nền kinh tế một cách thực chất, tạo lập nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững trong dài hạn là cần thiết. Từ đó cho thấy nhiệm vụ và trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong những năm tới hết sức nặng nề.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung triển khai các giải pháp đề ra trong các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành, nhất là nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ. Với trách nhiệm là cơ quan soạn thảo Nghị quyết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải là cơ quan đi đầu trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Đồng thời phát huy mạnh mẽ hơn nữa chức năng xây dựng thể chế, hoạch định chiến lược, tham mưu các cơ chế, chính sách đột phá cho Chính phủ để tạo động lực thực hiện thành công các cải cách kinh tế, nâng cao năng lực của nền kinh tế, huy động nguồn lực trong toàn xã hội để phát triển, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn, phát triển doanh nghiệp trong năm 2017 và các năm tới. Kiểm soát chặt chẽ việc phân bổ nguồn lực đầu tư, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí.
Bên cạnh đó nghiên cứu đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế đã chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế thị trường. Việc lập quy hoạch, kế hoạch phải đi trước một bước, phải dựa trên các quy luật của nền kinh tế thị trường, trên tinh thần kiến tạo, có sự tham gia rộng rãi đặc biệt của các nhà khoa học, các tổ chức kinh tế, xã hội có liên quan. Các quy hoạch được lập phải dựa trên lợi ích của quốc gia, của dân tộc, phù hợp với chiến lược phát triển dài hạn; tránh tình trạng lập quy hoạch tạo cơ chế xin cho, kìm hãm sự phát triển và có sự đan xen lợi ích cục bộ của các bộ, ngành. Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế phân cấp đầu tư, đề cao quyền chủ động trách nhiệm của các địa phương, đồng thời khắc phục tình trạng 63 nền kinh tế địa phương đang xảy ra.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng phân tích dự báo, tham mưu tổng hợp; đẩy mạnh công tác thống kê với quan điểm chủ đạo là thông tin thống kê trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời và minh bạch; áp dụng chuẩn mực thống kê của thế giới; chuẩn hóa quy trình và ứng dụng công nghệ hiện đại; phát huy hơn nữa vai trò Tổ trưởng Tổ điều phối kinh tế vĩ mô. Nghiên cứu xây dựng tiêu chí chuẩn mực, khoa học, đánh giá độ tin cậy các thông số đầu vào, đầu ra nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch, chất lượng thẩm định các dự án về hạ tầng.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh cơ cấu lại bộ máy của Bộ theo hướng tinh gọn, hiệu quả, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn liền với công tác cán bộ; nghiêm túc, sáng tạo, gương mẫu thực hiện các nhiệm vụ được phân công trong Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ. Cán bộ hệ thống kế hoạch phải liêm chính, gương mẫu, phải thực hành và nêu gương chống tham nhũng, nhũng nhiễu, tiêu cực gây phiền hà với tổ chức, đơn vị.
Minh Hiển