In bài viết

Bộ KH&CN nêu 5 giải pháp góp phần thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn

(Chinhphu.vn) - Bộ KH&CN sẽ tiếp tục xét các đề nghị hưởng ưu đãi theo quy định của hoạt động công nghệ cao hiện hành, đặc biệt là đối với vi mạch bán dẫn; tăng cường tìm kiếm, tuyển chọn các nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển liên quan đến lĩnh vực vi mạch thông qua các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước…

17/10/2024 17:31
Bộ KH&CN nêu 5 giải pháp góp phần thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn- Ảnh 1.

Ông Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ Cao (Bộ KH&CN) trả lời câu hỏi của phóng viên - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ngày 17/10, tại Hà Nội, Bộ KH&CN tổ chức họp báo thường kỳ Quý III/2024 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Hoàng Minh. Nhiều vấn đề được các cơ quan báo chí đặt ra liên quan đến các lĩnh vực bán dẫn, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, năng lượng nguyên tử…

Trả lời câu hỏi của Báo điện tử Chính phủ về giải pháp của Bộ KH&CN góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1018/QĐ-TTg, ông Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ Cao (Bộ KH&CN) khẳng định: "Không phải sau khi ban hành Chiến lược, mà trước đó từ lâu Bộ KH&CN đã rất quan tâm đến lĩnh vực bán dẫn".

Theo ông Trần Anh Tú, tại Quyết định số 1018, Thủ tướng Chính phủ đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho 2 Bộ là Bộ TT&TT và Bộ KH&ĐT. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ ngành có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trong đó, Bộ KH&CN được giao chủ trì 5 nhiệm vụ, trong đó có 1 nhiệm vụ ở nhóm Đề án đột phá thực hiện Chiến lược và 4 nhiệm vụ thuộc nhóm các Đề án, nhiệm vụ triển khai Chiến lược.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Bộ KH&CN và 5 nhiệm vụ được giao tại Chiến lược, để tham gia thực hiện thành công Chiến lược này, Bộ KH&CN đã và sẽ triển khai 5 giải pháp.

Thứ nhất, Bộ KH&CN sẽ xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược của Bộ KH&CN nhằm thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hiệu quả Chiến lược; đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 1018/QĐ-TTg để bảo đảm triển khai đầy đủ các nhiệm vụ được giao của Bộ KH&CN.

"Trong kế hoạch này sẽ phân công cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN chủ trì hay phối hợp triển khai từng nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN sẽ theo dõi, đôn đốc, bảo đảm việc triển khai chiến lược toàn diện, hiệu quả", ông Trần Anh Tú cho hay.

Đồng thời, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ TT&TT, Bộ KH&ĐT, Bộ GD&ĐT, các tổ chức, doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Thứ hai, "sản phẩm vi mạch điện tử" được xác định là sản phẩm quốc gia theo Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 (Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 01/02/2021). Đồng thời Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 04/2024/TT-BKHCN quy định quản lý Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030.

Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ ưu tiên, tập trung triển khai Chương trình sản phẩm quốc gia, trong đó có sản phẩm vi mạch bán dẫn.

Ngoài ra, Bộ KH&CN tăng cường tìm kiếm, tuyển chọn các nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển liên quan đến lĩnh vực vi mạch thông qua các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước (KC01, KC4.0...), thông qua Quỹ NAFOSTED...

Thứ ba, từ năm 2010, vi mạch bán dẫn đã thuộc Danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển (theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19/7/2010) và tiếp tục có mặt trong các Quyết định thay thế quyết định này cho đến nay (hiện nay là Quyết định số 38/2020/QĐ- TTg ngày 30/12/2020). Bộ KH&CN sẽ tiếp tục xét các đề nghị hưởng ưu đãi theo quy định của hoạt động công nghệ cao hiện hành, đặc biệt là đối với vi mạch bán dẫn.

Thứ tư, Bộ KH&CN sẽ tăng cường hợp tác quốc tế về KHCN trong lĩnh vực bán dẫn. Đặc biệt, thông qua mạng lưới các văn phòng đại diện KHCN ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ, Bộ KH&CN sẽ thúc đẩy hỗ trợ tìm kiếm đối tác, công nghệ để kết nối, chuyển giao công nghệ.

Thứ năm, Bộ KH&CN tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, các hoạt động có liên quan đến lĩnh vực bán dẫn để tăng cường kết nối, thu hút các nhà khoa học, các diễn giả trong và ngoài nước tham gia chia sẻ, nghiên cứu chung và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn.

Hoàng Giang