![]() |
Theo Bộ KHĐT, chỉ số về khởi sự kinh doanh đã vượt mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 19 |
Trước đó, tại phiên họp cuối tháng 12/2015 của Hội đồng Quốc gia phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng, đã yêu cầu phải đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 19 một cách khách quan, cụ thể, thẳng thắn, chỉ rõ những việc đã làm được, chưa làm được theo tinh thần công khai, minh bạch…
Nhiều cải thiện trong năm 2015
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và hoan nghênh những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ, của một số Bộ, cơ quan và địa phương trong thời gian qua, nhất là trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, hải quan, thuế. Doanh nghiệp ngày càng kỳ vọng nhiều vào việc thực thi Nghị quyết 19.
Theo tổng hợp của Bộ KHĐT, trong năm 2015, các Bộ, cơ quan, địa phương, nhất là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tập đoàn điện lực Việt Nam, VCCI, Thành phố Hồ Chí Minh, đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Môi trường kinh doanh được cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng lên và được các tổ chức quốc tế có uy tín ghi nhận.
Năng lực cạnh tranh quốc gia của nước ta (theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới) cải thiện đáng kể so với năm 2014, tăng 12 bậc từ vị trí 68/144 lên vị trí 56/140, đạt mức tăng cao nhất từ năm 2012.
Về môi trường kinh doanh, thứ hạng của nước ta năm 2015 (theo Doing Business) tăng 3 bậc, từ vị trí 93 lên vị trí 90/189 nền kinh tế. So với các nước Đông Nam Á, năm 2015, Việt Nam được ghi nhận nhiều cải cách hơn, nhờ đó môi trường kinh doanh tăng điểm và thứ hạng tốt hơn, trong khi 3 nước gồm Malaysia, Philippines và Thái Lan xuống hạng, Singapore vẫn giữ vị trí dẫn đầu thế giới.
Trong năm 2015, có 5 lĩnh vực của Việt Nam được cải thiện. Trong đó, nổi bật là chỉ số khởi sự kinh doanh đã vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết, số lượng thủ tục và thời gian ít hơn cả nhóm nước ASEAN 4. Chỉ số bảo vệ nhà đầu tư thiểu số tương đương nhóm nước ASEAN 4, đạt mục tiêu đề ra theo yêu cầu của Nghị quyết. Chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội dự kiến cũng đạt mục tiêu đề ra vào thời điểm cuối năm 2016. Chỉ số tiếp cận điện năng cũng đã đạt mục tiêu theo yêu cầu của Nghị quyết, tuy thời gian thực hiện các thủ tục vẫn nhiều hơn so với trung bình nhóm nước ASEAN 6.
Tuy vậy, vẫn còn một số lĩnh vực không có sự cải thiện hoặc giảm bậc, như thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng kéo dài thêm 52 ngày, từ 114 ngày lên 166 ngày. Chỉ số đăng ký sở hữu tài sản tăng từ 4 thủ tục lên 5 thủ tục. Điểm số về chất lượng thủ tục hành chính đất đai ở mức trung bình dưới. Chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng không có sự thay đổi về điểm số và thứ hạng.
3 tháng đầu năm không có nhiều thay đổi
Về tình hình và kết quả thực thi Nghị quyết 19 trong 3 tháng đầu năm 2016, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chưa có nhiều thay đổi so với thời điểm tháng 12/2015.
Một số Bộ, cơ quan (gồm Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VCCI) đã rất tích cực, chủ động triển khai đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp. Về phía địa phương, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và điều chỉnh Kế hoạch thực thi Nghị quyết 19, bám sát yêu cầu của Nghị quyết, trong đó đã chủ động lồng ghép thêm một số chỉ tiêu về nâng cao năng suất lao động.
Báo cáo của Bộ KHĐT tập trung vào 3 lĩnh vực cụ thể.
Về cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, theo tinh thần Nghị quyết 19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP về triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, trong đó yêu cầu các Bộ, cơ quan và địa phương rà soát, đánh giá quy định của pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, báo cáo, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung.
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện nội dung nói trên của Nghị quyết này. Đáng chú ý là một số Bộ vẫn đang tiếp tục soạn thảo, ban hành các thông tư có nội dung trái thẩm quyền quy định về điều kiện kinh doanh. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc đích danh 4 bộ với hàng loạt văn bản.
Về cải cách thủ tục hải quan và quản lý chuyên ngành, Bộ Tài chính tiếp tục tiến hành rà soát các quy định và thủ tục hải quan, sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Cho đến nay, đã có 9 Bộ kết nối vào Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tuy vậy, số thủ tục đăng ký kết nối (27 thủ tục) còn quá ít so với số lượng thủ tục kiểm tra chuyên ngành của các Bộ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, vấn đề kiểm tra chuyên ngành vẫn là vướng mắc lớn nhất trong thủ tục thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu. Nghị quyết 19 giao cho 10 Bộ thực hiện cải cách quy định và thủ tục quản lý chuyên ngành; áp dụng phương thức quản lý rủi ro và chuyển mạnh sang hậu kiểm. Đến nay, một số Bộ gồm Tài chính; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động triển khai thực hành theo định hướng và yêu cầu nói trên.
Tổng cục Hải quan đã triển khai các địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại 7 khu vực cửa khẩu để giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Trên thực tế, do mới bắt đầu triển khai từ cuối năm 2015 nên chưa có đánh giá tổng thể về hiệu quả của hình thức này.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những bất cập của hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã và đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, gây bất lợi đến cải thiện môi trường kinh doanh. Phạm vi mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành quá rộng, kiểm tra quá mức cần thiết, trong khi đó theo kết quả kiểm tra, chỉ khoảng dưới 1% số trường hợp không đạt yêu cầu. Có những yêu cầu về quản lý chuyên ngành chỉ mang tính hình thức hoặc không thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, ngành Tư pháp (Tòa án) đã có một số thay đổi đáng ghi nhận về cải cách thủ tục hành chính tư pháp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục giải quyết phá sản, cũng như lựa chọn tòa án như một kênh để giải quyết tranh chấp hợp đồng. Những cải cách này thể hiện sự phối hợp tích cực của tòa án trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; tăng thêm sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp đối với Tòa án.
Hà Chính