In bài viết

Bộ KHĐT giải đáp một số quy định về đấu thầu

(Chinhphu.vn) - Nhà thầu tư vấn đã thực hiện gói thầu tư vấn khảo sát lập dự án đầu tư có được tham dự gói thầu thiết kế bản vẽ thi công không? Gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có quy mô nhỏ áp dụng loại hợp đồng nào...? Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải đáp một số thắc mắc về quy định của Luật Đấu thầu.

26/10/2015 17:02

Bà Vũ Thu Hương (TP. Hà Nội): Theo quy định thì chỉ định thầu rút gọn áp dụng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn dưới 500 triệu đồng và quy trình được quy định tại Điều 56 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Vậy có nội dung nào khác quy định chi tiết hơn về giới hạn của việc bắt buộc phải thương thảo hợp đồng không? Cụ thể nếu giá trị hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn giá trị dưới 30 triệu đồng có phải ký kết biên bản thương thảo hợp đồng không?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời: Căn cứ theo quy trình chỉ định thầu rút gọn quy định tại khoản 2, Điều 56 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP thì bên mời thầu và nhà thầu phải tiến hành thương thảo hợp đồng để làm cơ sở phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng. Việc thương thảo hợp đồng được thể hiện bằng biên bản thương thảo hợp đồng.

Bà Nguyễn Thị Vân (TP. Hà Nội): Khoản 3, Điều 2 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định:“Nhà thầu tư vấn có thể tham gia cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ tư vấn cho cùng một dự án, gói thầu bao gồm: Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, tư vấn giám sát” nhưng không quy định về tư vấn lập dự án đầu tư. Vậy, Công ty tôi đã làm công tác tư vấn khảo sát lập dự án đầu tư cho 1 dự án thì có được đấu thầu thiết kế bản vẽ thi công không?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời: Theo khoản 3, Điều 2 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định nhà thầu tư vấn có thể tham gia cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ tư vấn cho cùng một dự án, gói thầu bao gồm: Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, tư vấn giám sát.

Theo đó, trường hợp nhà thầu tư vấn đã thực hiện gói thầu tư vấn khảo sát lập dự án đầu tư thì vẫn được tham dự gói thầu thiết kế bản vẽ thi công.

Ông Ngô Thanh Tùng (TP. Hà Nội): Hiện tôi được phụ trách xây dựng hồ sơ mời thầu cho gói thầu di dời ngầm hóa cáp (gói thầu quy mô nhỏ). Do tính chất của gói thầu là di dời ngầm hóa, có tiến độ gấp theo yêu cầu của thành phố, nên việc khảo sát chi tiết hạ tầng kỹ thuật ngầm sẵn có là không thể thực hiện kịp. Vậy, tôi có thể sử dụng hình thức hợp đồng theo đơn giá cố định không (nếu trong Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tôi có trình bày rõ các luận điểm cho thấy loại hợp đồng đơn giá cố định phù hợp hơn so với hợp đồng trọn gói trong trường hợp gói thầu của tôi)?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời: Điểm c, khoản 1, Điều 62 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định hợp đồng trọn gói là loại hợp đồng cơ bản. Khi quyết định áp dụng loại hợp đồng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, người phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải bảo đảm loại hợp đồng này phù hợp hơn so với hợp đồng trọn gói. Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn đơn giản; gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có quy mô nhỏ phải áp dụng hợp đồng trọn gói.

Theo đó, đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có quy mô nhỏ phải áp dụng hợp đồng trọn gói.

Ông Đào Văn Quảng (tỉnh Quảng Trị): Cơ quan tôi có 2 hợp đồng như sau: Hợp đồng Tư vấn kiểm kê đất đai xây dựng bản đồ, có giá trị là 900.000.000 đồng; Hợp đồng Tư vấn khảo sát lập quy hoạch nghĩa trang nhân dân, có giá trị là 600.000.000 đồng. Cả 2 hợp đồng trên đều chỉ định thầu, hình thức hợp đồng trọn gói, như vậy có đúng theo quy định tại Luật Đấu thầu 43/2013/QH13 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP không?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời: Điều 54, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định hạn mức chỉ định thầu là không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công; không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.

Đối với trường hợp của ông, chủ đầu tư cần phải căn cứ nội dung, tính chất công việc, nguồn vốn của gói thầu để xác định loại gói thầu, từ đó có cơ sở xác định gói thầu có đủ điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu hay không.

Ông Phạm Thanh Dương (banqlkhacphucthientai@...): Tôi đang công tác tại Ban quản lý dự án khắc phục thiên tai. Theo quy định tại Mục 3, Điều 29 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 quy định đối với trường hợp kiểm định theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng thì cơ quan yêu cầu được phép chỉ định tổ chức tư vấn theo quy trình chỉ định thầu rút gọn theo khoản 1, Điều 56 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014. Vậy gói thầu kiểm định thực hiện theo quy định trên có cần phải phê duyệt kế hoạch đấu thầu không hay chỉ cần thương thảo và phê duyệt kết quả chỉ định thầu?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời: Đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 đều phải lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu được tuân thủ theo quy định tại Chương III Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.

Chinhphu.vn