Theo Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam, đối với phần huy động vốn thông qua quá trình IPO cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có sự chồng chéo trong các quy định pháp luật. IPO chỉ là một quá trình trong tổng thể quá trình cổ phần hóa hay thoái vốn nhà nước và quá trình này ngoài quy định của Luật Chứng khoán mà còn phải tuân thủ hành lang Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước, Luật Doanh nghiệp.
Để thị trường chứng khoán có thêm nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa cũng như để Nhà nước có thể triển khai thành công quá trình đổi mới doanh nghiệp mà trọng tâm là cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước cần phải có sự rà soát đồng bộ các Luật có liên quan. Trong đó, cần xem xét đến các thông lệ quốc tế để nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào doanh nghiệp Việt Nam thông qua quá trình cổ phần hóa và thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, Nghị định số 60/2015/NĐ-CP được đánh giá là động thái tích cực của Chính phủ trong việc mở room cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp khá nhiều vướng mắc về vấn đề này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam như sau:
Đối với việc bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các vấn đề do Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam nêu về việc chiến lược, định hướng phát triển của doanh nghiệp, chống mất thương hiệu và thị phần sau khi thoái vốn... đều đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách khi xây dựng phương án thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn, hoạt động kinh doanh tốt và có thương hiệu trên thị trường Việt Nam.
Với quy định về đấu giá cổ phần theo lô, hiện tại, Bộ Tài chính đang nghiên cứu đưa nội dung này vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ngoài mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận cho nhà nước (bán với giá cao nhất) còn cần hài hòa với các mục tiêu khác như bảo vệ thương hiệu Việt, bảo vệ người lao động... đồng thời đảm bảo tối đa tính công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện.
Việc đấu thầu lựa chọn tư vấn cổ phần hóa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều đề xuất trong quá trình sửa đổi Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần về việc bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp nhà nước khi xây dựng phương án cổ phần hóa được phép xác định chi phí thuê tư vấn bao gồm mức phí thành công (success fee) dành cho công ty tư vấn; phí tổ chức roadshow tại nước ngoài để thu hút các nhà đầu tư quốc tế tham gia đấu giá; đồng thời được nghiên cứu triển khai theo hướng tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn các tổ chức tư vấn quốc tế có uy tín để tư vấn xây dựng phương án bán vốn.
Đối với vấn đề nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, các nội dung mà Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam nêu đã phản ánh đúng thực tế của các doanh nghiệp đại chúng ở Việt Nam. Do vậy, khi thực hiện thoái vốn/cổ phần hóa, căn cứ vào mục tiêu phát triển của doanh nghiệp và mong muốn thu hút nhà đầu tư nước ngoài thì doanh nghiệp và cơ quan có thẩm quyền cần rà soát lại các ngành nghề kinh doanh có điều kiện của doanh nghiệp.
Trong trường hợp các ngành nghề kinh doanh này không phải là ngành nghề kinh doanh chính, chiếm tỷ trọng nhỏ trong hoạt động của doanh nghiệp thì có thể xem xét thoái hết vốn và không đăng ký kinh doanh đối với những ngành nghề này nữa, nhằm tạo điều kiện thu hút thêm tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Chinhphu.vn