In bài viết

Bộ LĐTBXH giải thích về "dạy nghề ngắn hạn"

(Chinhphu.vn) – Ông Bùi Việt Kiên (tỉnh Ninh Thuận) hỏi: Cụm từ “sơ cấp nghề”, quy định về thời gian học nghề được đưa vào Luật Dạy nghề 2006 hay đã có từ trước? Chứng chỉ đào tạo về đấu thầu, chứng nhận bồi dưỡng… do cơ quan Trung ương cấp trong thời gian 2001-2005 có phải là chứng chỉ đào tạo nghề không?

20/01/2017 08:02

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Về trình độ sơ cấp nghề, Điều 6 Luật Dạy nghề số 76/2006/QH11 quy định, “Dạy nghề có ba trình độ đào tạo là sơ cấp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề”.

Theo Điều 11 Luật Dạy nghề, “Dạy nghề trình độ sơ cấp được thực hiện từ ba tháng đến dưới một năm đối với người có trình độ học vấn, sức khỏe phù hợp với nghề cần học”.

Điều 16 của Luật này quy định, “Người học nghề học hết chương trình sơ cấp có đủ điều kiện thì được dự kiểm tra, nếu đạt yêu cầu thì được người đứng đầu trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề có đăng ký dạy nghề trình độ sơ cấp, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ khác, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học, cơ sở giáo dục khác có đăng ký dạy nghề trình độ sơ cấp cấp chứng chỉ sơ cấp nghề”.

Luật Dạy nghề có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2007 và hiện nay đã hết hiệu lực.

Về dạy nghề ngắn hạn, chứng chỉ nghề, Nghị định số 02/2001/NĐ-CP ngày 9/1/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Bộ luật Lao động và Luật Giáo dục về dạy nghề quy định, dạy nghề ngắn hạn thực hiện dưới một năm tại trung tâm dạy nghề, lớp dạy nghề độc lập hoặc gắn với cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và cơ sở giáo dục khác.

Giám đốc trung tâm dạy nghề, hiệu trưởng trường dạy nghề và các cơ sở có đăng ký dạy nghề, hiệu trưởng các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học có đăng ký dạy nghề ngắn hạn theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được cấp chứng chỉ nghề cho người hoàn thành khóa học nghề theo mục tiêu, nội dung, chương trình có giới hạn.

Chinhphu.vn