Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Theo quy định của pháp luật về BHXH, để được hưởng lương hưu hàng tháng thì người lao động phải đáp ứng hai điều kiện về tuổi đời và điều kiện về thời gian đóng BHXH. Quy định này nhằm đảm bảo khả năng cân đối tài chính BHXH, người lao động phải tích lũy đủ số năm đóng vào quỹ BHXH trong quá trình làm việc để khi về già không còn khả năng làm việc thì được hưởng lương hưu hàng tháng.Pháp luật về BHXH cũng quy định đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động thì được hưởng lương hưu ở độ tuổi thấp hơn so với người lao động bình thường, quy định này nhằm tạo điều kiện để những người lao động do ốm đau, bệnh tật, sức khỏe suy giảm không thể làm việc thì có cơ hội được hưởng lương hưu ổn định cuộc sống. Kinh nghiệm thực hiện của các nước trên thế giới đều quy định giảm tuổi nghỉ hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và thường giảm 5 tuổi so với người lao động bình thường.
Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu đối với người lao động khi suy giảm khả năng lao động được chia thành 2 mức: (i) người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì được giảm tối đa 10 tuổi so với người lao động bình thường (nam đủ 50 tuổi và nữ đủ 45 tuổi); (ii) người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% thì có lộ trình tiến tới giảm tối đa 5 tuổi so với người lao động bình thường (từ năm 2020 trở đi nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi).
Như vậy, tùy thuộc vào tỷ lệ suy giảm khả năng lao động của người lao động (từ 61% hoặc 81% trở lên) thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu sẽ được giảm từ 5 đến 10 tuổi so với người lao động bình thường.
Chinhphu.vn