Tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đã trao Quyết định số 219/QĐ-UBQLV bổ nhiệm đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giữ chức vụ Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Đồng thời, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Trần Sỹ Thanh đã trao quyết định bổ nhiệm đồng chí Lê Mạnh Hùng, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giữ chức Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy Ban quản lý vốn Nhà nước và doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh ghi nhận: Tập đoàn PVN thời gia qua là đơn vị đã có bước phát triển, hoàn chỉnh đồng bộ cả về chiều rộng và chiều sâu, có bề dày truyền thống tốt đẹp, không ngừng vươn lên của những người luôn có khát vọng tìm dầu, làm giàu cho Tổ quốc.
Sự kiện hôm nay là dấu mốc chuyển giao vị trí lãnh đạo quan trọng của Tập đoàn, việc giao trọng trách cho nhân sự tại chỗ có quá trình rèn luyện, công tác trong môi trường dầu khí là sự tin tưởng của Đảng, Chính phủ, Ủy Ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và của tập thể cán bộ, người lao động trong Tập đoàn.
Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh bày tỏ tin tưởng với sự nỗ lực toàn tâm, toàn ý, cống hiến hết mình của tân Tổng giám đốc và tập thể PVN, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn, phát triển bền vững.
Đánh giá về tân Tổng giám đốc PVN, ông Nguyễn Hoàng Anh bày tỏ, ông Lê Mạnh Hùng là một cán bộ trẻ so với những người tiền nhiệm, được đào tạo bài bản, đã kinh qua nhiều vị trí từ công tác quản lý Nhà nước, đến điều hành doanh nghiệp.
Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cũng lưu ý tân Tổng giám đốc PVN cần khiêm tốn, học hỏi cập nhật kiến thức mới về quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh Tập đoàn Dầu khí còn nhiều khó khăn, tập hợp đội ngũ tập thể lãnh đạo, người lao động của Tập đoàn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chia sẻ về những thách thức với tân Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng trong thời gian tới là hết sức nặng nề, Chủ tịch Ủy Ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đề nghị Tập đoàn tập trung một số nhiệm vụ: khẩn trương triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến 2025 và tầm nhìn 2035 đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 41-NQ/TW, theo đó phát triển ngành dầu khí thành ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng, then chốt, hoàn chỉnh, đồng bộ bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác vận chuyển, chế biến, tồn trữ, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển dầu khí, xây dựng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trở thành tập đoàn mạnh trong lĩnh vực dầu khí, có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
Tập trung xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường làm việc công bằng, kỷ luật, chuyên nghiệp, xây dựng quản trị tiên tiến, hiện đại, nâng cao năng suất lao động, tập trung xử lý dứt điểm ,5 dự án yếu kém của ngành theo đúng chủ trương Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Cũng tại buổi lễ, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng chia sẻ: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đơn vị nòng cốt của ngành dầu khí đang ở giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử phát triển hơn bốn thập kỷ của ngành. Theo ông Hùng, khó khăn này chủ yếu tập trung ở ba nhóm: Nhóm thứ nhất tập trung ở môi trường kinh doanh, trong đó môi trường hoạt động của các hoạt động dầu khí đang bị thu hẹp, môi trường pháp lý, cơ chế, đặc biệt sự thay đổi của thị trường với áp lực cạnh tranh khốc liệt.
Nhóm thứ hai là khó khăn về nguồn lực: Thời gian qua PVN mất đi nhiều những nguồn lực tinh túy của Tập đoàn do những khiếm khuyết, bên cạnh đó là nguồn vốn tập đoàn, tài sản, trữ lượng, tài sản dầu khí hết sức khó khăn.
Nhóm thứ ba là những tồn tại trong quản trị của tập đoàn, từ hệ thống quản trị đến mô hình quản trị, thể hiện ở những doanh nghiệp, công trình, dự án còn yếu kém của Tập đoàn. Đặc biệt những tổn thất, tồn tại, hạn chế đó trong thời gian qua có ảnh hưởng rất lớn đến lòng tin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và xã hội đối với ngành dầu khí và ảnh hưởng lớn đến tinh thần, thái độ, chất lượng, hiệu quả công việc của cán bộ, người lao động ngành dầu khí.
Trên cơ sở nhận thức cơ hội và thách thức, tân Tổng giám đốc PVN cũng nêu ra một số phương trâm hành động thời gian tới. Theo đó, PVN tập trung 6 nhiệm vụ: Sớm củng cố bộ máy lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn, phát triển xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế cận; triển khai ngay việc rà soát, cập nhật chiến lược kế hoạch dài hạn và hệ thống quản trị của Tập đoàn để đảm bảo cân đối giữa nguồn lực và mục tiêu; quản trị chặt chẽ tài chính, đầu tư, bảo đảm bảo toàn vốn; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường gia tăng giá trị; triển khai đồng bộ công tác quản trị rủi ro và kiểm soát rủi ro trong các hoạt động của Tập đoàn; tái tạo văn hóa dầu khí trong giai đoạn mới để tạo điều kiện cho người lao động cũng như sự tin tưởng của cán bộ, người lao độn g trong ngành.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng sinh năm 1973, trình độ Tiến sĩ Hóa dầu; gần 20 năm gắn bó với ngành, đồng chí từng đảm nhiệm các chức vụ: Phó Trưởng ban Chế biến Dầu khí - Tập đoàn PVN; Chủ tịch HĐTV Công ty Hóa dầu Long Sơn; Trưởng ban QLDA Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau; Tổng Giám đốc Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau; Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí; Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam…