Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi, nhiệm vụ chính trị quan trọng được Bộ Nội vụ ưu tiên, tập trung nguồn lực thực hiện.
Đến nay, các quy định pháp luật thuộc ngành nội vụ đã cơ bản đồng bộ, thống nhất, liên thông với các quy định của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đổi mới của nền hành chính nhà nước và sự phát triển của đất nước. Từ năm 2021 đến nay, đã trình cấp có thẩm quyền thông qua 3 luật, 4 nghị quyết của Quốc hội, 37 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trình Chính phủ ban hành 32 nghị định, 21 nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 50 quyết định; Bộ trưởng ban hành 48 thông tư.
Bộ Nội vụ đã chủ động, tích cực tham mưu Chính phủ triển khai cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình hợp lý, từng bước, thận trọng, chắc chắn, khả thi và hiệu quả, được cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và xã hội thống nhất, đồng thuận cao, thiết thực góp phần nâng cao đời sống các đối tượng hưởng lương và chính sách trợ cấp, phụ cấp nhiều đối tượng liên quan.
Trong lĩnh vực tổ chức bộ máy và biên chế, Bộ Nội vụ đã tập trung tham mưu xây dựng cơ cấu Chính phủ khóa XV để trình Quốc hội thông qua theo hướng tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; khắc phục chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với sự nghiệp dịch vụ công làm cơ sở sắp xếp, giảm số lượng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Kết quả giai đoạn 2021-2023 đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục (dự kiến tiếp tục giảm 1 tổng cục và 5 vụ/cục thuộc tổng cục), giảm 10 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ, giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 13 sở và tương đương, giảm 2.159 phòng và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập, đạt 13,5% so với năm 2016, vượt chỉ tiêu Trung ương giao.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ tham mưu triển khai tổ chức thực hiện công tác quản lý biên chế và tinh giản biên chế theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ. Từ năm 2016 đến năm 2023, đã tinh giản 82.295 biên chế (trong đó, công chức là 7.435 người, viên chức là 74.860 người). Việc tinh giản biên chế đã hoàn thành vượt chỉ tiêu Bộ Chính trị giao, công chức giảm 10,01% và viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm 11,67%, số người hoạt động không chuyên trách, thôn, tổ dân phố giảm 46,64% so với năm 2015.
Theo Thứ trưởng Trương Hải Long, Bộ Nội vụ đã tập trung rà soát, hoàn thiện và đổi mới, cải cách mạnh mẽ chế độ công vụ, công chức nhằm cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu của nền hành chính quốc gia; tích cực phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, tiêu chuẩn nghiệp vụ, tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, bằng sản phẩm cụ thể.
Bộ thực hiện phân cấp triệt để trong công tác tuyển dụng; bổ sung quy định về xét nâng ngạch đối với công chức lãnh đạo, quản lý và thay đổi phương thức từ thi sang xét thăng hạng viên chức; phân cấp việc tổ chức thi, xét nâng ngạch, thăng hạng cho các bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, Bộ Nội vụ chủ động rà soát, cắt giảm các thủ tục về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và chứng chỉ bồi dưỡng không cần thiết khác trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức, tiết kiệm được thời gian và chi phí của xã hội được dư luận xã hội đánh giá cao.
Bộ Nội vụ cũng tập trung tham mưu hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính và tham mưu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025. Bộ đã tiếp nhận hồ sơ Đề án sắp xếp của 49/54 địa phương có sắp xếp đơn vị hành chính, đã tổ chức thẩm định Đề án của 45 địa phương và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồ sơ của 16 địa phương (Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 3 địa phương); trình Chính phủ hồ sơ của 5 địa phương; 24 địa phương đang hoàn thiện Đề án sau thẩm định; 4 địa phương đang hoàn thiện hồ sơ để tổ chức thẩm định, 4 tỉnh, thành phố đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, Bộ Nội vụ có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng, đa ngành, đa lĩnh vực, phụ trách những vấn đề về con người, bộ máy, có những lĩnh vực công việc rất khó và nhạy cảm như vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Nội vụ đã khẳng định là một tập thể đoàn kết, tâm huyết, chuyên nghiệp, có chuyên môn sâu. Các tham mưu của Bộ bám sát chủ trương, nghị quyết, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và sát thực tiễn.
Đặc biệt, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, Bộ Nội vụ có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, đồng thời có nhiều sáng tạo, đổi mới, chấp nhận khó khăn, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhất là đối với những vấn đề khó và phức tạp.
Các nhiệm vụ được giao Bộ đều hoàn thành tốt, nhất là trên lĩnh vực xây dựng thể chế với một khối lượng công việc rất lớn; chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã;…
Trong thực hiện cải cách chính sách tiền lương, dù chưa thực hiện trọn vẹn Nghị quyết 27 nhưng với cách làm sáng tạo, thực hiện có lộ trình, bước đi hợp lý, thực tiễn đã chứng minh chế độ tiền lương được cải thiện nhưng tình hình không tạo ra đột biến phức tạp. Các thủ tục hành chính được cắt giảm nhiều, cải thiện rất lớn nền hành chính. Bộ Nội vụ cũng đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, làm cơ sở cho công tác chuyển đổi số…
Cùng với khẳng định những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình lưu ý Bộ Nội vụ cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, nhất là trong công tác hoàn thiện thể chế, các lĩnh vực thi đua khen thưởng, cải cách hành chính, đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá cán bộ để các mặt công tác có chất lượng cao hơn và thực chất hơn.
"Chúng ta đã lựa chọn đột phá chiến lược là thể chế thì phải làm sao cho tư duy về xây dựng thể chế phải thay đổi, phải đột phá", nhấn mạnh điều này, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, kết luận trong các cuộc họp về xây dựng thể chế, Thủ tướng Chính phủ đều nói rất nhiều, đề cập rất nhiều đến nguyên tắc sát thực tế, tháo gỡ được các khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, khơi thông được các nguồn lực, không tạo cơ chế xin – cho.
"Cố gắng đừng tạo ra cơ chế vòng vo, con gà - quả trứng, muốn có tiền phải có đề án, muốn có đề án thì phải có tiền, không biết cái nào trước, cái nào sau, rất khó thực hiện", Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh và nêu rõ, Bộ Nội vụ phải xác định xây dựng thể chế là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Khẳng định "sẽ làm hết sức" những vấn đề liên quan mà Bộ Nội vụ trình, Phó Thủ tướng Thường trực chia sẻ, từ khi làm Phó Thủ tướng, ông ký văn bản cho ý kiến liên quan đến lĩnh vực của Bộ Nội vụ đầu tiên và là nhiều nhất. "Không có văn bản gì để trên bàn tôi quá 2 ngày, ban ngày họp thì ban đêm đọc tài liệu, văn bản của các đồng chí trình", Phó Thủ tướng Thường trực cho biết và đôn đốc Bộ Nội vụ trình sớm 14 hồ sơ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Liên quan đến tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng đây là việc khó; đề nghị Bộ căn cứ vào các nghị quyết của Đảng sắp xếp bộ máy cho tinh gọn, tổng kết thực tiễn thi hành và tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế để bố trí lại bộ máy cho phù hợp.
Phó Thủ tướng cũng nhắc đến vấn đề chuyển đổi số, nêu rõ đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, cần phải chú trọng xây dựng nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, có lộ trình, bước đi và sự tính toán thật kỹ lưỡng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ, với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đòi hỏi bắt buộc Bộ Nội vụ phải cố gắng nỗ lực nghiên cứu từ thực tiễn, triết lý khoa học cho đến những vấn đề liên quan đến quản trị quốc gia. Bộ Nội vụ phải đi trước, phải tư duy, phải đón đầu để tham mưu trong việc xây dựng hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền XHCN; phải quán triệt, nhận thức sâu sắc chủ trương của Đảng đối với việc phát triển đất nước. Vì vậy, tất cả Nghị quyết của Đảng, Bộ tổ chức quán triệt và cụ thể hóa nhưng phải bám sát thực tiễn cuộc sống.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Nội vụ đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, hết sức nặng nề. "Có những việc chúng tôi nghĩ khó có thể vượt qua. Có những lúc tôi nghĩ không biết đường đi như thế nào; có những vấn đề về mặt chủ trương là như thế này nhưng thực tiễn lại khác. Cho nên lựa chọn con đường đi như thế nào để vừa bảo đảm chủ trương, vừa phù hợp với thực tiễn cũng không phải là chuyện dễ", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và của ngành thời gian tới như: Xây dựng và hoàn thiện thể chế, quyết tâm đi đầu trong cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp các tổ chức hành chính của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, tập trung hoàn thành căn bản việc sắp xếp và giải quyết các vấn đề phát sinh trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã giai đoạn 2019-2921…
Nguyễn Hoàng