Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khoá XIII, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thảo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp gửi nội dung chất vấn liên quan đến việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên như sau:
Để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc của bản thân và của đơn vị sử dụng, các giáo viên mầm non, tiểu học, trung học đã học tập nâng cao trình độ chuyên môn từ trung cấp mầm non lên cao đẳng, đại học hoặc từ cao đẳng lên đại học hoặc từ đại học lên cao học.
Từ khi Luật Viên chức được Quốc hội khoá XII thông qua ngày 15/11/2010, sau đó Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, đến nay việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên đã ngừng không thực hiện. Mặc dù tại Điều 7 Thông tư 12/2012/TT-BNV ngày 18/12/2012 của Bộ Nội vụ quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng việc thực hiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức, nhưng hầu như chưa nơi nào thực hiện.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thảo hỏi, đến nay đã có tổ chức, địa phương nào thực hiện Điều 7 Thông tư 12/2012/TT-BNV chưa? Đối với những nơi chưa thực hiện thì nguyên nhân tại sao và khi nào sẽ thực hiện? Liệu có giải pháp như nào để nhanh chóng thực hiện việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên trong thời gian sớm nhất?
Bên cạnh đó, theo Thông tư 02/2014/TT-BGDĐT ngày 8/2/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia thì tại tiêu chuẩn 2 về đội ngũ giáo viên mầm non - nhân viên có yêu cầu phải có ít nhất 40% giáo viên tiêu chuẩn (mức độ 1) và 50% giáo viên trở lên có trình độ tiêu chuẩn (mức độ 2). Công việc của giáo viên mầm non rất cực nhọc, lương lại thấp, việc đi học nâng cao trình độ là sự phấn đấu rất lớn của họ, nhưng sau khi học xong lại không được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khiến các giáo viên có tâm lý chán nản.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thảo đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, trả lời và có giải pháp nhanh chóng thực hiện trong thời gian sớm nhất?
Bộ Nội vụ trả lời Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thảo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp như sau:
Đang hoàn thiện bộ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên
Thực hiện Luật Viên chức và căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 47 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì các Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan để xây dựng và ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.
Bộ Nội vụ đã xây dựng và ban hành Thông tư số 12/2012/TT-BNV ngày 18/12/2012 quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức, trong đó đã hướng dẫn cụ thể về khung tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, quy trình xây dựng chức danh nghề nghiệp viên chức. Các Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành căn cứ vào các quy định của Thông tư này để quy định cụ thể phù hợp với tính chất, đặc điểm của ngành, lĩnh vực chuyên ngành của viên chức thuộc thẩm quyền được giao quản lý.
Với trách nhiệm là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về đội ngũ viên chức và là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, Bộ Nội vụ đã nhiều lần có công văn đôn đốc thực hiện như Công văn số 1575/BNV-CCVC ngày 7/5/2015 gửi 11 Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để yêu cầu khẩn trương triển khai thực hiện xây dựng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; Công văn số 14/BCĐCCCVCC ngày 17/12/2013 đôn đốc và đề nghị các Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành báo cáo kết quả về việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; Công văn số 1897/BNV-CCVC ngày 4/6/2014 gửi 11 Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành đề nghị báo cáo triển khai việc thực hiện các quy định của Luật Viên chức, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP trong việc xây dựng tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp, việc quy định cụ thể về nội dung, hình thức thi tuyển, thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức,...
Đặc biệt là trong nhiều phiên họp thường kỳ của Chính phủ, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề này đã được tiếp thu và đưa vào Nghị quyết đề nghị các Bộ, ngành tập trung xây dựng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thuộc thẩm quyền quản lý để phối hợp với Bộ Nội vụ thẩm định ban hành.
Nhìn chung, các Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành đã và đang tích cực nghiên cứu, xây dựng để ban hành Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành và ban hành. Đến nay đã ban hành được 7 Thông tư liên tịch của Bộ Nội vụ với Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, cụ thể là:
- Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV ngày 1/10/2014 quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ (do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì).
- Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 7/10/2014 quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao (do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì).
- Thông tư số 13/2014/TT-BNV ngày 31/10/2014 quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ (do Bộ Nội vụ ban hành).
- Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 4/11/2014 quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục đại học (do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì).
- Thông tư liên tịch số 02/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 19/5/2015 quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện (do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì).
- Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 27/5/2015 quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, y sĩ (do Bộ Y tế chủ trì).
- Thông tư liên tịch số 11/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 27/5/2015 quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp y tế công cộng (do Bộ Y tế chủ trì).
Riêng đối với bộ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức các chuyên ngành giáo dục: giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở, giáo viên trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, đã được thẩm định và Bộ Nội vụ đã có các công văn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện thủ tục để ban hành.
Các giải pháp thực hiện
Theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP thì việc quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức thuộc ngành, lĩnh vực do Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành chủ trì, và Bộ Nội vụ là đơn vị phối hợp.
Đồng thời, tại điểm c khoản 1 Điều 8 Thông tư số 12/2012/TT-BNV đã quy định việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp của viên chức được thực hiện căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Căn cứ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành của các Thông tư liên tịch đã được ban hành và sau khi có hiệu lực, các Bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm chủ động chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành theo thẩm quyền.
Đối với các bộ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở, giáo viên trung học phổ thông, Bộ Nội vụ tiếp tục đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm hoàn thiện và ký ban hành các Thông tư theo quy định của pháp luật, làm căn cứ quy định về điều kiện, tiêu chuẩn thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Chinhphu.vn