In bài viết

Bộ phản hồi ý kiến về chỉ tiêu rà soát hộ nghèo

(Chinhphu.vn) – Theo phản ánh của ông Lương Trí Dũng, công tác rà soát hộ nghèo theo Thông tư 17/2016/TT-BLĐTBXH về hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 còn có một số chỉ tiêu đặc trưng hộ, mức điểm cho một số chỉ tiêu chưa phù hợp, nêu chưa rõ.

31/12/2018 08:02

Cụ thể, tại Phụ lục số 3b hay còn gọi phiếu B:

- Mục 6 nhà ở: - Vật liệu chính của tường nhà là bê tông; gạch/đá; xi măng, gỗ bền chặt: 20 điểm - Vật liệu chính của cột nhà là bê tông cốt thép; gạch/đá; sắt/thép/gỗ bền chặt 0 điểm. Hai chỉ tiêu này đều là nhà kiên cố mà thang điểm lại chấm khác là không phù hợp (phải chấm 20 điểm hoặc 0 điểm giống nhau).

- Mục 9 nước sinh hoạt: Thang điểm giữa giếng đào được bảo vệ và giếng khoan (theo quy định của Bộ Y tế đều là công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh) nên phải chấm 0 điểm hoặc 5 điểm như nhau.

- Mục 11 tài sản chủ yếu: - Ti vi màu: Ti vi màu có giá trị từ 3 triệu đồng đến trên 50 triệu đồng hoặc hơn vẫn có, chênh lệch giá trị quá lớn nhưng chấm cùng thang diểm 5 là không phù hợp. - Xe máy, xe có động cơ: có giá trị từ 5 triệu đồng đến trên 165 triệu đồng hoặc hơn vẫn có, chênh lệch giá trị quá lớn nhưng chấm cùng thang diểm 20 là không phù hợp (Cần chỉ rõ loại xe máy, động cơ cùng giá trị để chấm cùng thang điểm). - Một số tài sản khác có giá trị nhưng chưa được đưa vào Phiếu B để tính điểm như: Gỗ, phản, máy xay xát, máy cày, máy tuốt lúa, máy gặt,….

- Mục 13 Chăn nuôi: - Hộ có 1 con trâu/bò/ngựa: 10 điểm; - Hộ có từ 2 con trâu/bò/ngựa trở lên 15 điểm (trở lên đến bao nhiêu con), cần cụ thể hơn. Chênh lệch giá trị giữa 1 con và từ 2 con trở lên lớn nên chấm một thang điểm là không phù hợp.

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Chỉ tiêu “nhà ở” và “nước sinh hoạt”

Nội dung đánh giá, chấm điểm chỉ tiêu “nhà ở” và chỉ tiêu “nước sinh hoạt” nêu trên do Tổng cục Thống kê xây dựng theo các điều kiện đặc thù chung, điển hình của khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Qua điều tra thực tế và phân tích dữ liệu Khảo sát mức sống dân cư của vùng, điểm số đánh giá theo như quy định tại Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH phù hợp với đại bộ phận dân cư của vùng.

Ý kiến phản ánh của ông Lương Trí Dũng có thể phù hợp với trường hợp hộ gia đình cụ thể nhưng không mang tính chất đại diện chung cho cả vùng. Đối với 6 vùng khác trong cả nước (khu vực thành thị và 5 khu vực nông thôn tại các vùng khác), điểm số của các chỉ tiêu “nhà ở” và “nước sinh hoạt” cũng không được đánh giá cùng mức điểm như phản ánh của ông Dũng.

Chỉ tiêu “xe máy”, “tivi” và một số các tài sản chủ yếu khác

Việc điều tra, rà soát theo quy định của Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH chỉ xác định giá trị sử dụng của các tài sản nêu trên để xác định mức độ tiếp cận của hộ gia đình đối với các dịch vụ xã hội cơ bản. Qua việc rà soát thấy hộ gia đình có “xe máy” còn sử dụng được thì chứng minh hộ gia đình đã tiếp cận được về phương tiện để đi lại, vận chuyển hàng hóa… “tivi” còn sử dụng được thì chứng minh hộ gia đình đã tiếp cận được thông tin.

Đối với một số tài sản có giá trị nhưng chưa được đưa vào Phiếu B để tính điểm như: Gỗ, phản, máy xay xát, máy cày, máy tuốt lúa, máy gặt…: thiết kế mẫu Phiếu B được xây dựng để đánh giá những loại tài sản chung nhất phản ánh thực trạng hộ gia đình nên không thể liệt kê hết tất cả các loại tài sản hiện có trong xã hội, đặc biệt là những tài sản có giá trị thuộc về đặc trưng của các hộ không thuộc diện nghèo, cận nghèo như phản ánh của ông Dũng.

Các hộ không thuộc diện nghèo, cận nghèo đã cơ bản được loại qua việc rà soát, nhận dạng nhanh hộ gia đình theo Phụ lục số 3a (Phiếu A) ban hành kèm theo Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH và không được đưa vào rà soát, đánh giá theo mẫu Phiếu B.

Không chia quá nhỏ mức điểm đánh giá chỉ tiêu “chăn nuôi”

Mẫu Phiếu B là mẫu phiếu rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo (các hộ không thuộc diện nghèo, cận nghèo đã được loại bỏ khi rà soát theo mẫu phiếu A) nên về cơ bản hộ gia đình cũng không thể có quá nhiều tài sản về trâu/bò/ngựa.

Do đó, việc quy định mức nêu trên là phù hợp và thực tế các mức điểm đã được nghiên cứu khoa học, logic trên số liệu Khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê, phù hợp với đặc thù của từng vùng. Nếu chia quá nhỏ các mức điểm đánh giá thì nội dung Thông tư sẽ trở nên phức tạp, gây khó khăn cho cán bộ điều tra cơ sở.

Trên cơ sở tổng hợp các kiến nghị của các Bộ, cơ quan liên quan, đại biểu Quốc hội, cử tri cũng như cán bộ và nhân dân các địa phương về việc sửa đổi một số chỉ tiêu tại Phiếu B, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 14/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016.

Theo đó, tiếp tục sử dụng và duy trì các nội dung tại Phiếu B trong rà soát hộ nghèo giai đoạn 2016 – 2020 để đảm bảo sự thống nhất, tránh xáo trộn, ảnh hưởng đến việc đánh giá mục tiêu giảm nghèo hàng năm của các địa phương.

Chinhphu.vn