In bài viết

Bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về chính sách thuế giá trị gia tăng

(Chinhphu.vn) – Dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 32 diễn ra vào chiều 24/3.

23/04/2024 18:50
Bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về chính sách thuế giá trị gia tăng- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội - Ảnh: VGP/ĐH

Dự luật hiện được xây dựng với bố cục gồm 4 Chương, 16 Điều, quy định cụ thể về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ và phương pháp tính thuế, khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng.

Góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, mục đích xây dựng và ban hành luật nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế GTGT để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; đảm bảo thu đúng thu đủ vào NSNN, đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN.

Đồng thời, đổi mới các nội dung và các điều luật theo hướng gia tăng các quy định, luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định tại văn bản dưới luật (Nghị định, Thông tư) nhằm cải cách thủ tục hành chính; cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, thống nhất, ổn định chính sách, thực hiện quản lý thuế điện tử, bảo vệ quyền lợi người nộp thuế, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào NSNN.

Khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế GTGT thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế GTGT và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thuận lợi cho tổ chức thực hiện, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, dự thảo Luật về cơ bản vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách.

Theo đó, dự thảo Luật giữ nguyên nội dung quy định tại 5 Điều của Luật thuế GTGT hiện hành gồm: phạm vi điều chỉnh (Điều 1); thuế GTGT (Điều 2); đối tượng chịu thuế (Điều 3); căn cứ tính thuế (Điều 6); phương pháp tính thuế (Điều 9).

Đồng thời, bỏ 1 Điều của Luật thuế GTGT hiện hành quy định về hóa đơn, chứng từ (Điều 14). Sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại 10 Điều của Luật thuế GTGT hiện hành gồm: người nộp thuế (Điều 4); đối tượng không chịu thuế (Điều 5); giá tính thuế (Điều 7); thuế suất (Điều 8); phương pháp khấu trừ thuế (Điều 10); phương pháp tính trực tiếp trên GTGT (Điều 11); khấu trừ thuế GTGT đầu vào (Điều 12); các trường hợp hoàn thuế (Điều 13); hiệu lực thi hành (Điều 15); tổ chức thực hiện (Điều 16).

Đối với những nội dung sửa đổi, bổ sung, dự thảo Luật đã bám sát theo 5 nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế GTGT (sửa đổi) đã được UBTVQH đồng ý gồm: Hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT. Hoàn thiện các quy định về giá tính thuế GTGT. Hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế GTGT. Hoàn thiện các quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Hoàn thiện các quy định về hoàn thuế GTGT.

Bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về chính sách thuế giá trị gia tăng- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo Luật về cơ bản vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách - Ảnh: VGP/ĐH

Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật

Thẩm tra nội dung Chính phủ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh khẳng định, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật để giải quyết các bất cập trong thực tiễn cũng như hoàn thiện chính sách thu, phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của UBTVQH triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị.

Về mục tiêu, quan điểm và phạm vi các nội dung sửa đổi, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ bám sát các mục tiêu, định hướng đã được xác định trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 để cân nhắc bổ sung phạm vi các nội dung chính sách được sửa đổi, bảo đảm tính bao quát, tổng thể đối với các nguồn thu, ít nhất là trong trung hạn của hệ thống chính sách thuế GTGT.

Về bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch của nội dung sửa đổi, bổ sung, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, hoàn thiện nội dung của dự thảo Luật để bảo đảm tính nhất quán giữa nội dung thể hiện trong Báo cáo tổng kết thi hành luật, các quan điểm chỉ đạo trong xây dựng dự án Luật với nội dung sửa đổi thể hiện trong dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cũng nêu quan điểm của Thường trực Ủy ban đối với một số nội dung cụ thể về: đối tượng không chịu thuế; giá tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản; thời điểm xác định thuế GTGT; thuế suất; phương pháp tính thuế; khấu trừ thuế GTGT đầu vào; các trường hợp hoàn thuế;…

Trong đó, về quy định liên quan đến sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác và đã chế biến thành sản phẩm khác, dự thảo Luật không quy định các nội dung mang tính nguyên tắc để xác định sản phẩm là tài nguyên, khoáng sản thuộc diện không chịu thuế mà giao Chính phủ ban hành danh mục là chưa bảo đảm tính chặt chẽ của Luật. Vì vậy, đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn về định hướng, cách thức xây dựng các danh mục này, làm rõ các nội dung mang tính nguyên tắc, tạo căn cứ để Chính phủ ban hành danh mục và cung cấp dự thảo Danh mục để cơ quan thẩm tra có đủ thông tin đánh giá về tính phù hợp.

Về mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT, đề nghị Chính phủ tính toán, cân nhắc các yếu tố liên quan trên bình diện chung của các chính sách hiện hành để quy định cụ thể mức ngưỡng này trong dự thảo Luật.

Về thời điểm xác định thuế GTGT, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành việc bổ sung quy định về thời điểm xác định thuế GTGT để bảo đảm rõ ràng, tránh các vướng mắc phát sinh trong thực thi Luật. Tuy nhiên, để nhất quán quan điểm các nội dung sửa đổi, bổ sung cần được quy định cụ thể, rõ ràng và thực hiện mục tiêu luật hóa tối đa các nội dung được quy định tại các văn bản dưới Luật, đã thực hiện ổn định, đề nghị Chính phủ rà soát các nội dung liên quan đến quy định về thời điểm xác định thuế GTGT đối với một số trường hợp đặc thù, trong đó có hoạt động kinh doanh bất động sản được quy định tại văn bản dưới luật để quy định cụ thể trong dự thảo Luật, không giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định…

Bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về chính sách thuế giá trị gia tăng- Ảnh 3.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) - Ảnh: VGP/ĐH

Đáp ứng chiến lược cải cách thuế

Kết luận nội dung phiên họp, nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án của Bộ Tài chính, nội dung thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội. Trong đó lưu ý một số nội dung như tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đáp ứng chiến lược cải cách thuế, đặc biệt lưu ý đến quan điểm sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý; định hướng tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất và thực hiện tăng thuế theo lộ trình.

Cùng với đó là rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật để đáp ứng quan điểm, mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật; khắc phục khó khăn, vướng mắc của luật hiện hành, hoàn thiện các quy định, đảm bảo bao quát trong trung hạn chính sách thuế GTGT. Cụ thể hóa tối đa trong luật các nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn, giảm thiểu việc giao Chính phủ, các bộ quy định.

Đồng thời, cần rà soát đảm bảo nguyên tắc của Hiến pháp, đảm bảo thu ngân sách phải do luật định, trường hợp giao Chính phủ, Bộ Tài chính quy định cần thuyết minh rõ lý do và phải quy định mang tính nguyên tắc trong luật; cân nhắc giao Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết, Bộ Tài chính chỉ hướng dẫn về quy trình thủ tục. Tiếp tục rà soát ý kiến của cơ quan thẩm tra đối với các chính sách cụ thể để đảm bảo tính công khai, minh bạch…

Bổ sung và tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế về thuế suất hàng hóa, dịch vụ chịu thuế, không chịu thuế GTGT; rà soát, đánh giá kỹ tác động của từng chính sách, các điều khoản trong luật để đảm bảo hiệu quả, khả thi và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Nghiên cứu ý kiến của cơ quan thẩm tra và của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo phù hợp, khả thi các quy định trong dự thảo; giải trình rõ cơ sở pháp lý, lý do việc quy định các trường hợp không phải nộp thuế GTGT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Đề nghị bổ sung giải trình vấn đề thuế đối với phân bón, thuế đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản được thu mua...; nghiên cứu giữ quy định như hiện hành việc kê khai khấu trừ bổ sung; cân nhắc mở rộng diện đối tượng được hoàn thuế so với luật hiện hành, quy định cụ thể hơn trong luật về các điều kiện hoàn thuế, rà soát đảm bảo phù hợp,…Nghiên cứu, bổ sung quy định về chế tài xử lý các vi phạm liên quan đến lĩnh vực đặc thù về thuế GTGT, tiếp tục rà soát xử lý mâu thuẫn, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; rà soát kỹ quy định áp dụng thi hành; tuân thủ đúng quy định Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp ý kiến và thông báo ý kiến kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để các cơ quan thực hiện; đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ý kiến cơ quan thẩm tra hoàn thiện Hồ sơ dự án luật; Ủy ban Tài chính, Ngân sách hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tới đây./.

Nguyễn Hoàng