Theo dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2020, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống là 261,456 tỷ kWh, tăng 8,97%, trong đó, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN là 251,6 tỷ kWh; công suất cực đại (Pmax) đạt 41.237MW, tăng 7,81% so năm 2019.
EVN cho biết, trên cơ sở tính toán cung - cầu điện năm 2020 cho thấy, nhiệm vụ bảo đảm cung ứng điện, bảo đảm cấp điện mùa khô năm 2020 sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, nhất là trong hoàn cảnh thời tiết diễn biến bất lợi.
So với kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được phê duyệt, có một số điểm đáng quan ngại, cụ thể như: sản lượng thủy điện dự kiến huy động thấp hơn 2,67 tỷ kWh do lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp hơn tần suất 65%; sản lượng khí cung cấp cho phát điện tiếp tục giảm; sản lượng điện huy động từ các nguồn khí dự kiến thấp hơn 408 triệu kWh so kế hoạch.
Trong khi đó, tổng công suất nguồn điện mới dự kiến đi vào vận hành trong năm 2020 chỉ đạt 4.329 MW, bao gồm: Nhiệt điện BOT Hải Dương 1.200 MW; thủy điện 1.138 MW; điện gió 118 MW; điện mặt trời 1.873 MW.
Các nguồn nhiệt điện than, khí sẽ phải huy động tối đa liên tục trong mùa khô cũng như cả năm 2020, không còn dự phòng.
Hệ thống điện do vậy sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ không bảo đảm cung ứng điện trong trường hợp xảy ra các rủi ro về nguồn nhiên liệu.
Để bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, ngoài các nguồn huy động từ thủy điện, nhiệt điện than, khí, năng lượng tái tạo,… ngành điện dự kiến huy động tới 3,397 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu có giá thành cao, trong đó riêng mùa khô (từ tháng 3 đến tháng 6) dự kiến phải huy động khoảng 3,153 tỷ kWh nguồn nhiệt điện dầu trong điều kiện thủy văn không được cải thiện.
Thực tế, EVN đã phải huy động nhiệt điện dầu ngay trong tháng 1 để điều tiết, giữ nước các nhà máy thủy điện để bảo đảm cung cấp đủ điện cho nhu cầu phụ tải. EVN còn phải dự kiến tăng huy động từ các nguồn nhiệt điện than 1,9 tỷ kWh, chủ yếu từ các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) than mới và các nhà máy đang tiến hành chạy thử nghiệm.Các nguồn phát điện từ khí đốt cũng là thành phần quan trọng, tỷ lệ tham gia trong cơ cấu nguồn phát khoảng 13% về công suất và 18% về sản lượng.
Để khắc phục những khó khăn này, EVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tập trung cao độ bảo đảm cung ứng điện trong sáu tháng mùa khô năm 2020, không để thiếu điện trong mọi tình huống. Bảo đảm tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện theo đúng tiến độ, trong đó ưu tiên các dự án tiến độ hoàn thành trong sáu tháng đầu năm 2020, đặc biệt các công trình trọng điểm cấp điện cho miền nam, TP. Hà Nội và các phụ tải quan trọng.
Chủ động trong việc rà soát tình hình đầu tư các công trình lưới điện theo quy hoạch, kế hoạch năm để có những điều chỉnh phù hợp nhu cầu thực tế, đáp ứng các nhu cầu truyền tải điện và cấp điện mới của các nhà đầu tư.
Tập trung chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thường xuyên cập nhật các thông số đầu vào như phụ tải, thủy văn, cung ứng nhiên liệu, tiến độ nguồn,..., tính toán cân bằng cung cầu điện để kịp thời báo cáo Tập đoàn. Đồng thời điều hành tối ưu hệ thống điện, chuẩn bị sẵn sàng các phương án cung ứng điện và các phương án xử lý khi sự cố xảy ra; bố trí hợp lý lịch bảo dưỡng các tổ máy năm 2020.
Theo đó, EVN đã giao kế hoạch cho các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) theo từng tháng và cả năm 2020 để các đơn vị chủ động chuẩn bị các phương án vận hành và chuẩn bị nhiên liệu. Đồng thời yêu cầu các NMNĐ phải bảo đảm sản lượng mùa khô (số giờ vận hành hơn 4.000 giờ) và sản lượng cả năm (số giờ vận hành hơn 7.200 giờ).
Tập trung hoàn thành công tác sửa chữa, bảo dưỡng các NMNĐ, bảo đảm khả dụng cao nhất trong mùa khô và cả năm 2020, trong đó yêu cầu hệ số khả dụng các NMNĐ than hơn 97% và NMNĐ khí hơn 98%. Cùng với hàng loạt các giải pháp khác, EVN khẳng định sẽ cố gắng nỗ lực bảo đảm cung ứng điện đầy đủ, an toàn và ổn định phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân ToànThắng