In bài viết

Bổ sung quy định xử lý vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra của lực lượng Công an nhân dân

(Chinhphu.vn) - Tại dự thảo Thông tư quy định việc thực hiện kết luận thanh tra của lực lượng Công an nhân dân, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định xử lý vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra nhằm khắc phục những hạn chế trong thực tiễn áp dụng, bảo đảm tính răn đe đối với đối tượng thanh tra, cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan.

10/11/2024 23:57
Bổ sung quy định xử lý vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra của lực lượng Công an nhân dân- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định việc thực hiện kết luận thanh tra của lực lượng Công an nhân dân.

Bộ Công an cho biết, công tác thanh tra Công an nhân dân đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, là phương thức phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa, phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật. 

Tuy nhiên, để đạt được mục đích nêu trên, công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra đối tượng thanh tra thực hiện kết luận thanh tra trong thực tiễn cực kỳ quan trọng, giúp Thủ trưởng cơ quan thanh tra trong Công an nhân dân và Thủ trưởng Công an cùng cấp nắm bắt được tình hình thực hiện kết luận thanh tra, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi không thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của đối tượng thanh tra, bảo đảm các kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra ban hành được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra Công an nhân dân.

Qua 6 năm triển khai thực hiện Thông tư số 29/2019/TT-BCA ngày 30/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc thực hiện kết luận thanh tra trong Công an nhân dân đến thời điểm hiện nay cho thấy đã đạt được những kết quả quan trọng. Thanh tra Bộ và Thanh tra Công an các đơn vị, địa phương đã mở hồ sơ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện đối với 850 kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra, tiến hành 157 cuộc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra. Qua theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra đã góp phần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của đối tượng thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra cũng như các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện kết luận thanh tra; kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của đối tượng thanh tra trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra, bảo đảm các kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra ban hành đều được thực hiện nghiêm túc, triệt để; trên cơ sở đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra của lực lượng CAND, góp phần xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Căn cứ ban hành Thông tư số 29/2019/TT-BCA là Luật Thanh tra năm 2010 và Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra đã hết hiệu lực thi hành. Theo quy định tại Thông tư số 29/2019/TT-BCA, việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra mới chỉ thực hiện trong Công an nhân dân. Đối với các kết luận thanh tra chuyên ngành, Bộ Công an chưa có văn bản pháp lý quy định cụ thể việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra của các Bộ, ban, ngành, UBND cấp tỉnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài lực lượng Công an nhân dân.

Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Thông tư quy định việc thực hiện kết luận thanh tra của lực lượng Công an nhân dân (thay thế Thông tư số 29/2019/TT-BCA) là cần thiết và phù hợp với thực tiễn, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện kết luận thanh tra và công tác xử lý sau thanh tra, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra Công an nhân dân.

Dự thảo Thông tư bao gồm 05 chương, 26 điều

Dự thảo Thông tư quy định việc thực hiện kết luận thanh tra của lực lượng Công an nhân dân bao gồm 05 chương, 26 điều, cụ thể như sau:

- Chương I: Quy định chung (gồm 05 điều: Từ Điều 1 đến Điều 5);

- Chương II: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra (gồm 04 điều: Từ Điều 6 đến Điều 9);

- Chương III: Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra (gồm 13 điều: Từ Điều 10 đến Điều 22);

- Chương IV: Xử lý vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra (gồm 02 điều: Điều 23 và Điều 24);

- Chương V: Điều khoản thi hành (gồm 02 điều: Điều 25 và Điều 26).

Xử lý vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra

So với Thông tư số 29/2019/TT-BCA, dự thảo bổ sung quy định xử lý vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra.

Theo đó, xử lý hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ Công an thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra; người thuộc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan:

1. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra phải bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP.

2. Người có hành vi vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra không phải là cán bộ, công chức, viên chức thì bị xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP.

3. Trường hợp cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân có hành vi vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Bộ Công an.

Dự thảo cũng quy định cụ thể về xử lý hành vi vi phạm của Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra:

1. Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra (ngoài lực lượng Công an nhân dân) là cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 65 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP.

2. Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra (ngoài lực lượng Công an nhân dân) không phải là cán bộ, công chức, viên chức tùy theo tính chất mức độ vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra thì bị xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 65 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP.

3. Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra trong lực lượng Công an nhân dân có hành vi vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật theo quy định của Bộ Công an.

Bộ Công an cho biết, xử lý vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra nhằm khắc phục những hạn chế trong thực tiễn áp dụng, bảo đảm tính răn đe đối với đối tượng thanh tra, cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thực tế. Việc xử lý vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra của lực lượng Công an nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của đối tượng thanh tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra, Thủ trưởng Công an các cấp cũng như cán bộ chiến sĩ trong việc thực hiện kết luận thanh tra. Trên tinh thần đó dự thảo Thông tư viện dẫn các nội dung quy định Nghị định số 43/2023/NĐ-CP liên quan đến xử lý vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra và riêng đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thì theo quy định về xử lý cán bộ của Bộ Công an trong lĩnh vực Thanh tra.  

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Nước Nước