In bài viết

Bổ sung yêu cầu bảo dưỡng thường xuyên đường thủy nội địa

(Chinhphu.vn) - Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Thông tư quy định về quản lý, bảo trì công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Trong đó, về yêu cầu bảo trì công trình đường thủy nội địa, Bộ đề xuất bổ sung yêu cầu bảo dưỡng thường xuyên đường thủy nội địa.

28/03/2022 17:22
Yêu cầu bảo dưỡng thường xuyên đường thủy nội địa - Ảnh 1.

Bộ Giao thông vận tải đề xuất bổ sung quy định yêu cầu bảo dưỡng thường xuyên đường thủy nội địa

Theo Thông tư 01/2019/TT-BGTVT hiện hành, yêu cầu về bảo trì công trình đường thủy nội địa được nêu rõ như sau: Công trình đường thủy nội địa sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa được nghiệm thu, bàn giao để tổ chức quản lý và bảo trì; công trình đường thủy nội địa phải có quy trình bảo trì trước khi đưa vào khai thác, gồm: luồng đường thủy nội địa; âu tàu; công trình đưa phương tiện qua đập, thác; cảng thủy nội địa; kè, đập giao thông; báo hiệu đường thủy nội địa... Tuy nhiên, quy định này chưa có yêu cầu bảo dưỡng thường xuyên đường thủy nội địa.

Tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải dự kiến bổ sung quy định bảo dưỡng thường xuyên đường thủy nội địa; điều tiết khống chế đảm bảo giao thông đường thủy chưa đảm bảo tiêu chí được thực hiện từ ngày 1/1 đến ngày 31/12 hàng năm hoặc theo thời gian trong hợp đồng bảo trì.

Bảo dưỡng thường xuyên công trình đường thủy nội địa bao gồm: Kiểm tra tuyến định kỳ, đột xuất, phục vụ công tác nghiệm thu; khảo sát, đo dò bãi cạn; kiểm tra thường xuyên báo hiệu, đèn báo hiệu, điều chỉnh, dịch chuyển báo hiệu đường thủy nội địa trên bờ, dưới nước, trên cầu, bảo dưỡng báo hiệu, tín hiệu, phương tiện, thiết bị, các công trình phục vụ trên tuyến đường thủy nội địa đang khai thác; trực đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc, phòng chống thiên tai; quan trắc mực nước, theo dõi lưu lượng phương tiện vận tải; cập nhật các dữ liệu có liên quan về công trình đường thủy nội địa và các công tác đặc thù khác theo tiêu chuẩn bảo dưỡng thường xuyên đường thủy nội địa, định mức kinh tế - kỹ thuật quản lý, bảo trì đường thủy nội địa và quy trình bảo trì; điều tiết khống chế đảm bảo giao thông; vận hành âu tàu.

Như vậy, theo dự thảo, yêu cầu về bảo trì công trình đường thủy nội địa được đề xuất cụ thể như sau:

1. Công trình đường thủy nội địa sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa được nghiệm thu, bàn giao để tổ chức quản lý và bảo trì. Thời gian thực hiện quản lý và bảo trì được tính từ ngày nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng.

2. Bảo trì công trình đường thủy nội địa được thực hiện theo quy định của Thông tư này, quy trình bảo trì, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật quản lý, bảo trì và quy định của pháp luật có liên quan.

3. Bảo dưỡng thường xuyên đường thủy nội địa; điều tiết khống chế đảm bảo giao thông đường thủy chưa đảm bảo tiêu chí được thực hiện từ ngày 1/1 đến ngày 31/12 hàng năm hoặc theo thời gian trong hợp đồng bảo trì.

4. Công trình đường thủy nội địa có cấp kỹ thuật đặc biệt và cấp I quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này hoặc công trình ứng dụng công nghệ mới phải có quy trình bảo trì trước khi đưa vào khai thác. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy trình bảo trì công trình đường thủy nội địa theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP.

5. Công tác bảo trì công trình đường thủy nội địa phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ và các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn