In bài viết

Bộ Tài chính ‘bỏ sót’ nhiều điều kiện kinh doanh?

(Chinhphu.vn) – VCCI cho rằng phương án cải cách của Bộ Tài chính còn bỏ sót nhiều điều kiện kinh doanh chưa phù hợp.

09/05/2018 10:40

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý sơ bộ về đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính.

Bộ Tài chính được đánh giá là đang tiếp tục có những động thái cải cách mạnh mẽ.

Theo VCCI, tổng số điều kiện kinh doanh ban đầu trong lĩnh vực tài chính là 370 điều kiện, tổng số điều kiện kinh doanh đề nghị cắt giảm, đơn giản là 193 điều kiện, chiếm tỷ lệ 52,2%.

Đây được xem là con số ấn tượng, phản ánh tinh thần cầu thị, cải cách từ phía Bộ Tài chính; cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao tinh thần này của Bộ Tài chính. Về cơ bản, phương án đã nhận diện chính xác các điều kiện kinh doanh và ở một số điều kiện kinh doanh đã đưa ra đề xuất cắt giảm, bãi bỏ hợp lý.

Nhiều đề xuất chưa triệt để, không thực chất

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, VCCI cho rằng một số đề xuất chưa rõ. Ví dụ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, phương án đưa ra đề xuất “đề nghị cắt giảm điều kiện này”. Không rõ “cắt giảm” có nghĩa là bỏ hoàn toàn điều kiện này hay là sửa đổi thành điều kiện khác?

Thêm vào đó, một số đề xuất về bản chất là không cắt giảm. Ví dụ trong lĩnh vực giá, phần lớn các điều kiện kinh doanh đều được “giữ lại”, các phương án đề xuất chủ yếu là thiết kế lại hình thức quy định về điều kiện kinh doanh.

Một số đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa triệt để, như đối với các điều kiện về nhân lực, phương án mới chỉ đề xuất giảm số năm kinh nghiệm điều kiện mà chưa xem xét có cần thiết phải bỏ hoàn toàn yêu cầu về điều kiện không?

Một số đề xuất không tạo ra thay đổi thực chất nào đáng kể. Một số trường hợp được “cắt giảm” trong phương án dựa trên những lý do hình thức và về bản chất thì vẫn giữ nguyên điều kiện kinh doanh.

Ví dụ trong lĩnh vực giá, có đề xuất cắt giảm điều kiện vì “việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đã được quy định cụ thể tại Điều 39 Luật giá”. Như vậy thì điều kiện này vẫn được giữ quy định trong Luật.

Một ví dụ khác là điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động trong công ty quản lý quỹ: Phương án đưa ra đề xuất giảm số năm kinh nghiệm của bộ phận nghiệp vụ từ “5 năm” xuống còn “4 năm”.

VCCI cũng cho rằng vẫn tồn tại nhiều điều kiện kinh doanh không phù hợp nhưng chưa được đưa vào phương án cắt giảm. Nhiều điều kiện kinh doanh được đánh giá để đưa ra đề xuất trong phương án chưa thực sự dựa vào việc xem xét, phân tích hiện trạng điều kiện kinh doanh với tính chất cần phải có của một điều kiện kinh doanh quy định tại Điều 7 Luật đầu tư 2014, vì vậy vẫn bỏ sót nhiều điều kiện kinh doanh chưa phù hợp.

Đặc biệt, VCCI nhận xét, phương án mới chỉ đánh giá các điều kiện kinh doanh cụ thể mà chưa đánh giá về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, nên không đưa ra được bức tranh toàn cảnh để từ đó đề xuất đưa một số ngành nghề ra khỏi diện kinh doanh có điều kiện.

Đề nghị bỏ nhiều điều kiện về vốn pháp định

VCCI cũng đưa ra những kiến nghị cụ thể về nhiều điều kiện kinh doanh, như bỏ số lượng tối thiểu thẩm định viên về giá, bỏ giới hạn về mức vốn của tổ chức trong doanh nghiệp thẩm định giá.

Cùng với đó, bỏ tất cả các điều kiện kinh doanh của đại lý làm thủ tục hải quan, đại lý làm thủ tục thuế, kế toán và xác định đây là những ngành, nghề kinh doanh thông thường.

Lý do là hoạt động cung cấp dịch vụ này hầu như không tác động tới các lợi ích công cộng đến mức buộc phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh. Chẳng hạn, đại lý làm thủ tục hải quan nếu phát sinh rủi ro chỉ ảnh hưởng tới lợi ích riêng của chủ thể thuê làm thủ tục hải quan.

VCCI đề nghị bỏ điều kiện mức vốn điều lệ thực có đối với ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2 tỷ đồng, hay vốn pháp định ít nhất 15 tỷ đồng với kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.

“Không rõ tại sao doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ lại phải đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định? Nếu không có đủ nguồn vốn này thì các lợi ích công cộng nào sẽ bị tác động? Không nhận thấy tác động đáng kể nào từ hoạt động kinh doanh này liên quan đến lợi ích công cộng”, VCCI nêu quan điểm.

Cơ quan này phân tích thêm, xét bản chất, mối quan hệ giữa chủ nợ và doanh nghiệp đòi nợ được xác lập trên cơ sở các thỏa thuận tư. Những rủi ro phát sinh từ hoạt động đòi nợ (doanh nghiệp đòi nợ không trả lại số tiền nợ đã đòi được từ con nợ cho chủ nợ) thì sẽ được giải quyết tranh chấp trên cơ sở hợp đồng của hai bên, khoản tiền vốn pháp định mà doanh nghiệp phải đáp ứng sẽ không phải là yếu tố đảm bảo cho quyền lợi của chủ nợ (đó là chưa kể, khoản nợ có thể lớn hơn rất nhiều con số 2 tỷ đồng). Vì vậy, việc áp đặt điều kiện về vốn ban đầu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ là chưa hợp lý, rất ít ý nghĩa thực tiễn trong khi lại là cản trở đáng kể việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp.

Cùng với đó là bỏ các điều kiện về trình độ của người quản lý, giám đốc chi nhánh, người lao động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ vì không nhận thấy bất kỳ đặc thù nào về trình độ chuyên môn của hoạt động kinh doanh này so với các ngành, nghề kinh doanh thông thường nào khác.

Mặt khác, “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” hiện đã được xác định là ngành, nghề kinh doanh phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP. Từ các lý do trên, đề nghị bỏ toàn bộ các điều kiện kinh doanh đang thiết kế tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP đối với dịch vụ này và áp dụng quy định điều kiện tại Nghị định 96.

Còn với kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, đề nghị bỏ điều kiện “Có phương án kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng có hiệu quả và đảm bảo duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật”.

VCCI nhận định rằng quy định như vậy sẽ can thiệp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp, không khả thi và ít ý nghĩa thực tiễn. Đây cũng thuộc nhóm ngành, nghề phải đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP, vì vậy không cần thiết phải kiểm soát thông qua phương án kinh doanh.

Tương tự, với kinh doanh đặt cược, VCCI kiến nghị bãi bỏ các điều kiện như có phương án tổ chức hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó phù hợp quy định của pháp luật; phương án đầu tư hệ thống công nghệ, thiết bị kỹ thuật, phần mềm kinh doanh bảo đảm hiện đại, đồng bộ, có thể dễ dàng nâng cấp, vận hành chính xác, an toàn, ổn định.

Lý do là các điều kiện này vừa can thiệp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp vừa ít có ý nghĩa về mặt quản lý.

Hà Chính