In bài viết

Bộ Tài chính: Chỉ còn hơn 7% DN chưa dùng hoá đơn điện tử

(Chinhphu.vn) - Tính đến ngày 24/5/2022 đã có 92,6% doanh nghiệp (DN) sử dụng hoá đơn điện tử (HĐĐT) trên toàn quốc. Toàn hệ thống thuế trong 1 năm có thể cấp 6 tỷ đến 7 tỷ hoá đơn; 1 tháng cấp khoảng 4 triệu đến 5 triệu hoá đơn.

02/06/2022 09:01
Bộ Tài chính: chỉ còn hơn 7% DN chưa dùng HĐĐT - Ảnh 1.

Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh: Tính đến ngày 24/5/2022 đã có 92,6% DN sử dụng hoá đơn điện tử trên toàn quốc - Ảnh: VGP/Huy Thắng

Đây là thông tin do Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cung cấp tại cuộc họp báo chuyên đề công bố kết quả triển khai HĐĐT trên phạm vi toàn quốc do Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày 1/6.

Hiểu rõ lợi ích HĐĐT để đạt tiến độ đề ra

Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, đúng 1 tháng nữa (ngày 1/7) là đến thời hạn bắt buộc phải chuyển đổi HĐĐT khi mua – bán hàng hóa dịch vụ theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP Chính phủ ban hành ngày 19/10/2020. HĐĐT được áp dụng trên toàn quốc là dấu mốc quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính của ngành thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN, hướng tới hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định, việc triển khai HĐĐT sẽ góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của DN, đồng thời cũng góp phần chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho DN, cho xã hội.

Với mục tiêu đến ngày 1/7/2022, toàn bộ người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP chuyển sang sử dụng HĐĐT theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã phê duyệt việc tổ chức thực hiện triển khai áp dụng HĐĐT theo lộ trình 2 giai đoạn, cụ thể: Giai đoạn 1 triển khai từ ngày 21/11/2021 tại địa bàn 6 tỉnh, thành phố (gồm TP. Hà Nội, TPHCM, TP. Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ); giai đoạn 2, triển khai từ tháng 4/2022 tại địa bàn 57 tỉnh, thành phố còn lại.

Tính đến ngày 24/5/2022, công tác triển khai HĐĐT đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, 100% DN đang hoạt động tại 6 tỉnh, thành phố triển khai giai đoạn 1 đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC.

Đối với giai đoạn 2, triển khai từ ngày 21/4, đã có 309.243 DN (tương đương 83,6% tổng số DN) đang hoạt động trên địa bàn 57 tỉnh, thành phố đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng HĐĐT.

Trên cả nước, đã có 764.314 DN (tương đương 92,6% tổng số DN) và 52.778 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Về số lượng hóa đơn cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý từ khi triển khai đến ngày 24/5/2022 là 318.401.123 hóa đơn. Trong đó, hóa đơn có mã là 106.414.378; hóa đơn không mã gửi đầy đủ dữ liệu đến cơ quan thuế là 41.347.907 hóa đơn; hóa đơn không mã gửi theo bảng tổng hợp cơ quan thuế là 170.588.512 hóa đơn; hóa đơn theo lần phát sinh là 326 hóa đơn.

Đủ hạ tầng công nghệ để mở rộng độ phủ sóng HĐĐT

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN nhỏ và vừa và hộ kinh doanh cá nhân (DNNCN) thuộc Tổng cục Thuế cho hay: để triển khai tốt HĐĐT cần nhanh chóng thay đổi nhận thức người dân, DN , điều này cần sự vào cuộc cả ngành thuế và các địa phương.

Bộ Tài chính: chỉ còn hơn 7% DN chưa dùng HĐĐT - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN nhỏ và vừa và hộ kinh doanh cá nhân: Cần để người dân, DN hiểu rõ hơn về HDĐT - Ảnh:VGP/Huy Thắng

"Việc sử dụng HĐĐT khá đơn giản, hoá đơn không buộc phải có chữ ký số, có thể xác định đầy đủ chi phí tính thuế. Cuối ngày chuyển dữ liệu về trung tâm xử lý một lần, không cần từng lần giao dịch, thuận lợi cho người bán hàng và cơ quan thuế. Ngoài ra, người có HĐĐT còn cơ hội may mắn trúng thưởng", bà Nguyễn Thị Lan Anh cho hay.

Trao đổi về những vấn đề phát sinh khi triển khai, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh khẳng định, HĐĐT là một loại hình hóa đơn mới và khi được triển khai thì nhiều người dân và DN còn chưa nắm rõ được nội dung, lợi ích trong việc áp dụng. Do đó, ngành thuế đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức như: Truyền hình, tờ rơi, thư ngỏ của cơ quan thuế, áp phích cổ động... Chính việc triển khai rộng khắp công tác tuyên truyền đã góp phần giúp người nộp thuế nắm bắt và phối hợp cùng cơ quan thuế trong triển khai HĐĐT.

Bên cạnh đó, ông Đặng Ngọc Minh cho hay: Theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2022/NĐ-CP, đối tượng người nộp thuế sử dụng HĐĐT rất đa dạng với nhiều loại hình kinh tế và cách thức quản lý khác nhau. Vì vậy, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai theo từng đợt đối với người nộp thuế theo từng loại hình khác nhau nhằm bảo đảm hiệu quả trong công tác triển khai cũng như không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của người nộp thuế.

Đồng thời, ngành thuế đã tập trung huy động nguồn lực tối đa trong việc triển khai, hỗ trợ người dân và DN và phát động phong trào thi đua trong toàn ngành, từ đó tạo động lực lớn thúc đẩy quá trình triển khai HĐĐT tại cơ quan thuế.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng cho biết, việc triển khai HĐĐT thực hiện trên toàn quốc trong đó các địa bàn có tình hình kinh tế - xã hội khác nhau, do đó ngành thuế đã chủ động phối hợp với các tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT để bố trí, phân bổ nguồn lực trong triển khai, tập huấn, tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Tại cuộc họp báo, Lãnh đạo Tổng cục Thuế cùng đại diện các đơn vị chuyên trách thuộc Tổng cục Thuế đã trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi của các cơ quan báo chí liên quan đến các vấn đề cụ thể như: Những khó khăn khi triển khai HĐĐT đối với hộ kinh doanh, DN nhỏ và vừa; công tác tập huấn, tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế tại các địa bàn khó khăn; quy chế phối hợp trao đổi thông tin liên quan đến tài khoản, dữ liệu giữa cơ quan thuế và các cơ quan chức năng liên quan, gian lận HĐĐT... 

Về việc sử dụng mã QR Code, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho hay: Hiện nay cơ quan thuế đang phối hợp các tổ chức cung cấp dịch vụ triển khai mã trên HĐĐT, tra cứu trên thiết bị di động nhanh chóng thuận tiện, ngành thuế có giải pháp công nghệ thông tin phối hợp các trung gian thanh toán, xuất hoá đơn trên điện thoại thông minh để thanh toán ngay với các nhà cung cấp.

Ông Đặng Ngọc Minh chia sẻ, với năng lực hiện tại, cơ quan thuế tiếp nhận kiểm tra hoá đơn  với thời gian cấp mã nhanh chỉ khoảng 1/10 giây. Toàn hệ thống thuế trong 1 năm có thể cấp 6 tỷ đến 7 tỷ hoá đơn; có thể cấp khoảng 4 triệu đến 5 triệu hoá đơn/ tháng

"Ngành thuế cũng đang tích cực triển khai hệ thống triển khai eTax Mobile (là ứng dụng Thuế điện tử được cài đặt trên điện thoại di động thông minh). Các cá nhân có thể vào Cổng Thông tin của ngành thuế để tra cứu thông tin đơn giản như thuế trước bạ cá nhân, thuế cho thuê nhà, có thể làm ngay trên thiết di động không cần đến cơ quan thuế", ông Đặng Ngọc Minh cho hay.

Phát biểu tại Lễ công bố kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc vào ngày 21/4 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việc công bố kích hoạt toàn quốc hệ thống HĐĐT là dấu mốc quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số không chỉ của ngành thuế, mà còn với hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Việc triển khai HĐĐT khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt của Chính phủ, của Bộ Tài chính, của ngành thuế trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Huy Thắng