In bài viết

Bộ Tài chính đồng ý nhưng nhiều Bộ chưa thông

(Chinhphu.vn) – Nhiều loại phí quá cao và không hợp lý đã được các doanh nghiệp (DN) phản ánh tại buổi làm việc mới đây giữa Tổ công tác của Thủ tướng và Bộ Tài chính.

10/04/2018 14:03

Trong đó, phải kể đến phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, lên tới khoảng 700.000 đồng mỗi lần, theo các DN là quá cao.

Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mỗi container nguyên liệu có thể được thu mua từ hàng chục tàu cá, nhưng với mỗi tàu cá lại cần một giấy xác nhận và một lần nộp phí.

Quy định này tạo chi phí rất lớn cho các DN. Trong khi đó, các DN phản ánh trên thực tế, cơ quan quản lý (thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn) chỉ việc ký và đóng dấu. Theo ông Nam, phía Bộ Tài chính đã đồng ý sửa, nhưng phía Bộ NN&PTNT vẫn chưa thông.

Cả Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đều cho rằng việc thu phí như vậy là không hợp lý.

Tương tự, theo ông Nam, mặc dù Bộ Tài chính đã đồng ý phải thay đổi quy định về phí xả thải của DN, nhưng phía Bộ TN&MT chưa đồng ý. “Bộ Tài chính đã có 4 văn bản đề nghị, nhưng cho tới nay các DN vẫn phải thực hiện như không có chuyện gì xảy ra”, ông Nam cho biết.

Quy định làm khó doanh nghiệp

Chưa hết, ông Nam còn đề cập tới cách hiểu về Nghị định 134 năm 2016. Theo nghị định này, phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công không quá 3% tổng lượng của từng nguyên liệu, vật tư thực nhập khẩu theo hợp đồng gia công được miễn thuế nhập khẩu khi tiêu thụ nội địa.

Nhưng theo Thông tư 38/2015/TT-BTC thì giới hạn 3% tổng lượng nguyên liệu, vật tư thực nhập khẩu chỉ áp dụng đối với các nguyên liệu, vật tư dư thừa, không bao gồm cả phế phẩm, phế liệu.

Trong thực tế, đối với ngành thủy sản, khi nhập nguyên liệu thủy sản về để chế biến, thì lượng phế liệu, phế phẩm luôn luôn rất cao, chiếm từ 20% đến trên 50% tổng lượng nguyên liệu nhập khẩu (tùy mặt hàng).

“Một con cá phi-lê thì đã bị hao hụt rồi. Các DN thủy sản đang phải chịu gánh nặng từ quy định 3% này và không bao giờ thực hiện được. Muốn an toàn thì chỉ có thể mua cá, để im như vậy. Bởi nếu chế biến thì có khi xương cá sau phi lê đã chiếm tới 30%-40% rồi. Và cái đó được coi là vật tư dư thừa…”.

Do vậy, quy định tỷ lệ 3% tổng lượng nguyên liệu, vật tư thực nhập khẩu (để được miễn thuế NK) áp dụng đối với cả phế liệu, phụ phẩm của ngành thủy sản là không phù hợp với thực tiễn do tỷ lệ này không bao giờ có thể đạt được.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam, cũng có những câu chuyện tương tự. Bà Xuân nói quy định về định mức đối với ngành giày dép là DN tự định mức và thông báo, nếu cơ quan quản lý kiểm tra thấy thừa sẽ phạt. Nhưng do biến động của thị trường, đơn hàng thì khó có thể chính xác được.

“Mặt khác, 90% sản phẩm da giày, túi xách là để xuất khẩu, vì vậy cho rằng các sản phẩm da giày thừa mà bị phạt thì vô lý, gây khó khăn cho DN. Mỗi DN bị phạt lên tới hàng chục tỉ thì quá lớn” - bà Xuân nói.

Ngoài ra, bà Xuân còn cho hay: Trong quá trình kiểm tra, cách hiểu văn bản pháp quy giữa cơ quan quản lý và DN là không thống nhất. “Nếu DN không đồng ý thì bị cho vào “luồng vàng” nên DN không tâm phục khẩu phục” - bà Xuân nói và đề nghị phải có một cuộc khảo sát liên ngành tài chính-công thương về vấn đề này.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) lo lắng trước tình trạng tham nhũng vặt trong ngành hải quan đang làm khó DN. "DN lần nào gặp chúng tôi cũng đều than về tham nhũng vặt, chi phí không chính thức này. Mức phí mỗi lần phải chi cho cán bộ hải quan không nhiều nhưng khâu nào cũng phải có và tổng hợp lại là con số lớn", bà Thảo nêu thực tế.

Giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Giải trình ý kiến các DN, ông Nguyễn Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, cho rằng: Bộ Tài chính đã ban hành nhiều công văn yêu cầu rà soát phí, lệ phí theo chỉ đạo của Thủ tướng. Trong thời gian ngắn bỏ sáu phí, bốn lệ phí, giảm thêm mấy loại phí.

“Riêng chỗ VASEP, sau khi nhận được kiến nghị là chúng tôi liên hệ ngay, rồi làm việc với Bộ NN&PTNT, phối hợp với VCCI, VASEP khảo sát ở một số địa phương. Sau cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hồi tháng 5/2017, đến tháng 8/2017 là chúng tôi hoàn thành thông tư về vấn đề này. Nhưng chỉ vướng mỗi Bộ NN&PTNT vì bộ xin lùi bởi còn vướng vấn đề tài chính ở mấy cơ quan thuộc bộ” - ông Thi nói và khẳng định Bộ Tài chính đồng ý với các kiến nghị của VASEP.

Ông Thi còn cho biết nhiều vấn đề khác mà VASEP gửi văn bản là Bộ Tài chính khảo sát ngay. Nhưng lý do chưa giải quyết đều thuộc về các bộ khác, chẳng hạn như Bộ TN&MT…

Liên quan tới ý kiến bà Xuân, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho hay đúng là có vấn đề về thuế với 3% phế liệu, phế phẩm, nguyên vật liệu dư thừa mà cả ông Nam và bà Xuân đề cập. Tuy vậy, vì thực tế vấn đề này liên quan đến nhiều mặt hàng, nhiều ngành mà mỗi ngành lại có đặc thù riêng. Đồng thời cũng có DN gian lận, lách quy định này.

“Cách xử lý triệt để vấn đề này là nên theo từng ngành nghề, mặt hàng để đưa ra định mức khác nhau…” - ông Cường nói.

Cũng theo ông Hoàng Việt Cường, ngành đã cải cách mạnh mẽ nhưng vẫn còn "những con sâu làm rầu nồi canh", còn tiêu cực.

Sau khi lắng nghe các đơn vị giải trình cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ nhiều kiến nghị của các DN là chính xác, như vấn đề phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản. Tình trạng chi phí chính thức cũng đang làm cho DN giảm sức cạnh tranh. Bộ trưởng Bộ Tài chính nói cần phải có sự phối hợp liên ngành, dứt khoát cắt bỏ những quy định không cần thiết.

Đồng tình với nhiều ý kiến của Tổ công tác và giải trình của các đơn vị thuộc quyền, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng: “Bộ Tài chính chỉ là người giữ ống và vấn đề còn tùy thuộc ở các bộ khác, các ngành khác. Đôi khi Bộ Tài chính buộc phải nói quan điểm khác biệt dù biết là đụng chạm”.

Hà Chính