Thông qua công tác theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tài chính kịp thời phát hiện ra những vấn đề vướng mắc, bất cập, không phù hợp với thực tiễn, từ đó có hướng giải quyết kịp thời, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực được giao.
Trên thực tế, công tác theo dõi thi hành pháp luật được Bộ Tài chính quan tâm triển khai thường xuyên, liên tục. Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp luật đảm bảo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình xây dựng, ban hành, Bộ Tài chính đã thực hiện đánh giá về thủ tục hành chính; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các cơ quan, đơn vị có liên quan và đăng tải công khai để lấy ý kiến rộng rãi. Nội dung quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành đều hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, có tính khả thi và thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Trong năm 2022, với khối lượng rất lớn các quy định được ban hành liên quan đến chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và cả các gói hỗ trợ ngoài chương trình, việc theo dõi thực thi pháp luật càng trở nên quan trọng, bức thiết.
Đặc biệt, liên quan đến thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế, trong năm 2022, Bộ Tài chính đã phối hợp trình cấp có thẩm quyền ban hành rất nhiều văn bản như: Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15, Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ; Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15…
Các quy định nêu trên đã góp phần giảm chi phí của người dân, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, kiềm chế lạm phát và gián tiếp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2022. Đồng thời, các chính sách đã hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19 và phù hợp với bối cảnh chung của đất nước trong việc đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Dự kiến, việc thực hiện các giải pháp này trong năm 2022 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 233 nghìn tỷ đồng; trong đó, số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 98 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị phổ biến, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trong đó ưu tiên lồng ghép công tác theo dõi đánh giá thi hành pháp luật với công tác kiểm tra, thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, ngành Tài chính triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để cung cấp kịp thời thông tin về văn bản quy phạm pháp luật tài chính đến các đối tượng.
Hàng năm, Bộ Tài chính đều xây dựng kế hoạch thanh tra và tổ chức thực hiện thanh tra theo kế hoạch, đúng quy định pháp luật; đánh giá việc tuân thủ pháp luật của các đối tượng thanh tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm pháp luật. Đồng thời, Bộ Tài chính đánh giá những vướng mắc, khó khăn trong thực thi pháp luật, những tồn tại về quy định pháp luật để đề xuất biện pháp xử lý; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính.
Trong 11 tháng năm 2022, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc ngành Tài chính đã thực hiện 70.295 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 780.957 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý tài chính hơn 65 nghìn tỷ đồng; số tiền đã thu gần 11 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng đã thực hiện có hiệu quả việc trao đổi thông tin, phối hợp với cơ quan công an trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, phối hợp cung cấp tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra liên quan đến các vụ việc có dấu hiệu tội phạm; đồng thời, phối hợp với cơ quan điều tra trong xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo là tiếp tục khó khăn và có thể có những biến động bất lợi khó dự đoán, do vậy ngành Tài chính tiếp tục thực hiện vai trò trụ cột khi vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa thực thi các chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, các chính sách tài khóa phải đi trước một bước.
Trong năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát các chính sách thuế, phí, lệ phí đang thực hiện để có tổng kết, đánh giá và cân nhắc các phương án tiếp theo phù hợp với "sức khỏe" của doanh nghiệp và nền kinh tế. Bộ cũng sẽ thực hiện theo đúng các kế hoạch về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã đề ra.
Được biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, hệ thống hóa danh mục văn bản pháp luật; cập nhật thông tin về văn bản mới ban hành, đăng tải đầy đủ, kịp thời trên Cổng thông tin điện tử của bộ và cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng cường tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, chính sách chế độ mới; hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế, chính sách tài chính cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu lực và phát huy hiệu quả chính sách.
KL