Theo ý kiến của ông Vạn, rác thải sinh hoạt có thể được phân loại theo tính chất như sau: (1) Thức phẩm (cơm, gạo, mì, rau, củ, quả, thịt, cá, cây, hoa lá…); (2) Xác động, thực vật; (3) Rác tái chế (bao bì, thủy tinh, kim loại, đồ nhựa, giấy…); (4) Quần áo, vải vóc; (5) Đồ điện tử, máy móc thiết bị (radio, TV, tủ lạnh,…); (6) Đồ gốm sứ, xà bần (chén, đĩa, bát, chum, vại…); (7) Rác độc hại (Pin, ắc quy, nhiệt kế thủy ngân..); (8) Rác khổ lớn (đồ dùng nội thất, xe, cây to…).
Thực tế hiện nay, các loại rác (3), (4), (5), (8), người dân thường gom lại bán ve chai hay bán cho các cơ sở chuyên thu mua đồ cũ. Tuy nhiên, trong tương lai, theo đà phát triển, có thể sẽ không còn người làm nghề thu mua ve chai hay đồ cũ nữa. Cho dù vậy thì việc phân loại rác thải sinh hoạt là cần thiết.
Căn cứ vào việc phân loại rác, ông Vạn đề xuát cách thu gom, xử lý sơ bộ như sau:
Loại rác | Đồ chứa | Nơi để | Ngày thu gom | Ghi chú |
---|---|---|---|---|
(1) Thực phẩm | Bao nhựa xanh | Trước cửa nhà | Thứ 2, 4, 6 hằng tuần | Mỗi loại rác được tách biệt, được đựng trong bao chuyên dụng riêng, phân biệt bằng màu bao; loại để rời cũng phải để riêng, tách biệt |
(2) Xác động thực vật | Bao nhựa vàng | Trước cửa nhà | Thứ 2, 4, 6 hằng tuần | |
(3) Rác tái chế | Bao nhựa trắng | Trước cửa nhà | Thứ 6 hàng tuần | |
(4) Quần áo, vải vóc | Bao nhựa trắng | Trước cửa nhà | Mỗi quý một lần vào thứ 5 cuối cùng | |
(5) Đồ điện tử, máy móc, thiết bị | Để rời | Trong nhà | Mỗi quý một lần vào thứ 5 cuối cùng | |
(6) Đồ gốm sứ, xà bần | Để rời | Trước cửa nhà | Mỗi quý một lần vào thứ 5 cuối cùng | |
(7) Rác độc hại | Bao nhựa đỏ | Trong nhà | Mỗi quý một lần vào thứ 5 cuối cùng | |
(8) Rác khổ lớn | Để rời | Trong nhà | Đăng ký trước |
Sau khi đã xử lý sơ bộ thì cách xử lý cuối cùng là tùy địa bàn mà lập bảng cho phù hợp, sát điều kiện thực tế về bãi quy tập rác, các nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp thu rác, phương tiện vận tải, trang thiết bị xử lý rác…
Ông Vạn đưa ví dụ dựa trên điều kiện sẵn có giả định của khu X nằm trong vùng Đông Nam bộ như sau:
Khu X bao gồm 5 xã của tỉnh A, 7 xã của tỉnh B, huyện N của tỉnh C.
Bãi rác quy tập dành riêng cho khu X gồm khu 1 quy tập loại rác (1), (2); khu 2 quy tập rác loại (3), (4), (5), (6), (7), (8).
Các cơ sở tiếp thu, xử lý rác của vùng gồm: Nhà máy xử lý rác thải Xanh (NmX), nhà máy xử lý rác tái chế (NmTC), nhà máy phân bón (NmPb), trung tâm từ thiện (Tt), xưởng quân khí (Z), các nhà máy cơ khí chế tạo trong vùng (NmCk).
Vùng Nam Trung bộ xây dựng nhà máy vật liệu xây dựng không nung (NmKn).
Ngoại trừ bãi rác khu X, các nhà máy, trung tâm, xưởng… nằm trên địa bàn Đông Nam bộ và vùng lân cận là Nam Trung bộ được gọi chung là cơ sở tiếp nhận rác.
Tùy loại rác và tình hình thực tế, rác thải sinh hoạt ở khu X được quy tập vào bãi rác khu X, hoặc chở thẳng tới các cơ sở tiếp nhận thích hợp trong vùng Đông Nam bộ.
Những đồ thải gốm sứ, xà bần có thể được tận dụng để nghiền thành bột làm gạch không nung.
Khi chưa thể vận chuyển tới các cơ sở tiếp nhận vì các lý do như cơ sở tiếp nhận chưa có nhu cầu, lượng không đủ một chuyến xe tải… thì quy tập tạm thời vào bãi rác khu X.
Đối với rác khổ lớn, hộ gia đình hay cơ sở có rác phải đăng ký trước với cơ quan chức năng để được lên lịch thu gom tận nơi.
Việc xử lý cuối cùng rác thải sinh hoạt khu X được lên kế hoạch chi tiết:
Loại rác | Nơi xử lý | Cách xử lý | Ngày xử lý | Ghi chú |
---|---|---|---|---|
(1) Thực phẩm | (a) NmPb (b) NmX | (a) Ủ phân hữu cơ (b) Đốt | ||
(2) Xác động thực vật | NmX | Đốt | ||
(3) Rác tái chế | NmTc | Chế thành nguyên liệu tái sử dụng | ||
(4) Quần áo, vải vóc | (a) Tt (b) Z, NmCk (c) NmX | a) Tận dụng (b) Làm giẻ lau (c) Đốt | ||
(5) Đồ điện tử, máy móc, thiết bị | (a) Cửa hàng đồ cũ (b) NmTc (c) NmX | (a) Lấy linh kiện còn tốt để tái sử dụng (b) Làm rác tái chế (c) Đốt bỏ | ||
(6) Đồ gốm sứ, xà bần | NmKn | Làm gạch không nung | ||
(7) Rác độc hại | NmX | Phân rã, xử lý bằng hóa chất cho hết độc | ||
(8) Rác khổ lớn | NmX | Phân rã, tách biệt: - Nguyên vật liệu tái sử dụng - Làm củi đun (gỗ) - Đốt bỏ |
Vấn đề xử lý rác thải như nêu trên cần phải làm thống nhất, đồng bộ và kết hợp nhịp nhàng giữa các khâu từ cơ sở, vận chuyển, đến bãi rác và nơi xử lý cuối cùng; giữa người dân và cơ quan chức năng; giữa các khu dân cư.
Việc sản xuất và sử dụng những phương tiện cũng cần đồng nhất theo quy chuẩn, như bao đựng rác theo quy chuẩn về màu sắc đã định sẵn.
Phương tiện vận tải chuyên dụng phù hợp với loại rác để bảo đảm an toàn, vệ sinh trong quá trình chuyên chở. Tận dụng tối đa những thứ có thể tái sử dụng. Sử dụng các thiết bị xử lý với kỹ thuật tiên tiến, có thiết bị thu gom và xử lý khí thải phát sinh từ việc đốt rác, hạn chế tới mức tối đa việc thải khí CO, CO2… ra khí quyển. Chỉ đưa trở lại đất các vật chất rắn gốc hữu cơ đã qua xử lý có thể phân hủy, không còn tồn dư chất độc hại.
Xã hội ngày càng phát triển thì rác thải cũng theo đó ngày càng lớn. Do vậy, ông Vạn cho rằng các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này cần sớm có quy định chi tiết và hành động ngay.
Về góp ý giải pháp xử lý rác thải sinh hoạt ông Hà Thiên Vạn đưa ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:
Trước hết, Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng cảm ơn ý kiến góp ý của ông. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẵn sàng tiếp nhận, nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về quản lý chất thải rắn trong thời gian tới nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
Một số ý tưởng của ông Vạn đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến của ông đối với những nội dung có liên quan đến công tác quản lý chất thải để dự thảo văn bản liên quan đến công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian tới.
Chinhphu.vn