Sáng 15/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ GD&ĐT, kết nối với các tỉnh, thành phố qua 63 điểm cầu của các sở GD&ĐT.
700.000 giáo viên mầm non, phổ thông đã tham dự chương trình trực tuyến kết hợp trực tiếp.
Chương trình là dịp để Bộ trưởng thông tin về tình hình của ngành; chia sẻ, động viên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục trong cả nước chuẩn bị năm học mới. Đồng thời qua chương trình, Bộ trưởng lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn của nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục hiện nay; giúp việc định hướng chính sách phù hợp để phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành GDĐT và thực hiện thành công đổi mới GDĐT.
Để chuẩn bị cho sự kiện, thông qua Công đoàn Giáo dục Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận hơn 6.500 ý kiến, trong đó, có khoảng 6.000 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt.
Các ý kiến tập trung vào nhóm vấn đề lớn, như triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (dạy học môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường…), chế độ chính sách nhà giáo (tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non…), điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên (trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…).
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các cục, vụ với toàn thể nhà giáo để gần nhau hơn, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, cùng chia sẻ để tăng thêm sức mạnh chung.
"Ngành giáo dục đang triển khai những việc rất lớn, rất khó", theo Bộ trưởng, để làm việc khó phải đồng tâm, hiệp lực. Việc càng khó, càng lớn, càng phải hiệp lực, đồng tâm. Cả triệu người cùng nhìn về một phía thì khó mấy, lớn mấy chúng ta cũng làm được.
Với hơn 6.500 câu hỏi được gửi bằng nhiều nguồn khác nhau, không thể trả lời hết trong một buổi, ngoài các vấn đề được trao đổi trực tiếp tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng cho biết sẽ chỉ đạo các cục, vụ tiếp tục phân tích câu hỏi và có cách trả lời theo từng chủ đề phù hợp; quan trọng hơn là lắng nghe ý kiến để có những điều chỉnh về mặt chính sách.
Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân cho biết, để chuẩn bị cho chương trình này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tập hợp ý kiến của nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục, các trường học trên cả nước trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua.
Trong tổng số hơn 6.000 ý kiến của khối mầm non và phổ thông rất nhiều ý kiến phản ánh về thực trạng việc tổ chức dạy học và giáo dục học sinh theo các chỉ đạo đổi mới của ngành trong thời gian vừa qua đã thu được những kết quả nổi bật trên nhiều phương diện.
Rất nhiều ý kiến tán thành về việc tổ chức chương trình “Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục”.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội để giáo viên được biết rõ, được hiểu thêm một cách chính thống các thông tin về công việc, các quan điểm chỉ đạo của ngành, các lý giải về khoa học giáo dục trong tiến trình đổi mới. Đặc biệt, hy vọng chương trình tạo cơ hội cho giáo viên cả nước hiểu biết thêm về cách làm mới, cách làm hay, những sáng tạo của đồng nghiệp trong quá trình đối mặt với những thách thức, khó khăn của đổi mới giáo dục, trước những yêu cầu của xã hội, trong bối cảnh đa dạng hóa thông tin như hiện nay.
Nhiều ý kiến phản ánh thực trạng việc tổ chức dạy học và quản lý ở các cơ sở trường học, các chế độ chính sách liên quan đến đời sống việc làm; những khó khăn bất cập, những đề xuất giải quyết, tháo gỡ và những câu hỏi đặt ra với Bộ trưởng.
Cụ thể, có gần 2.000 ý kiến liên quan đến chế độ tiền lương, phụ cấp, trong đó có nhiều ý kiến mong muốn Bộ trưởng xem xét về chế độ chính sách đối với giáo viên nói chung để đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Gần 200 ý kiến phản ánh việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, việc chuyển ngạch giáo viên thực hiện chậm, chưa cập nhật đầy đủ mã ngạch theo quy định, bất cập trong việc xếp lương sau khi hoàn thành đạt chuẩn trình độ đào tạo… Việc này gây thiệt thòi và ảnh hưởng đến tâm lý của giáo viên.
Có gần 500 ý kiến liên quan đến tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non. Đa số các ý kiến đề nghị áp dụng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm mon là 55 tuổi. Do đặc thù lao động giáo viên mầm non nên việc tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 là không phù hợp.
Có 160 ý kiến về thiếu trường lớp học, thiếu nhà công vụ giáo viên, cơ sở vật chất các trường học vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đề nghị nâng cấp cơ sở vật chất các trường học vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để giáo viên yên tâm công tác, nâng cao chất lượng dạy và học.
Có 41 ý kiến phản ánh về việc thiếu giáo viên cục bộ ở vùng sâu, vùng xa và giáo viên dạy một số bộ môn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Phương Liên