Báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp tại địa phương
UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết liệt, kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện theo từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của chương trình.
Đến nay, hầu hết các quy định, các văn bản pháp lý để triển khai thực hiện chương trình thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND tỉnh đã được các sở, ban, ngành và UBND các huyện triển khai thực hiện đạt một số kết quả tích cực.
Qua đó, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trong tỉnh có bước phát triển mạnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ; dần hình thành vùng sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa cây quế, cây dược liệu, cây lấy gỗ và sản phẩm gỗ; kết cấu hạ tầng đang được hoàn thiện.
Năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 5,37%, từ 35,64% xuống còn 30,27% (đạt mục tiêu đề ra là 4%); tỉ lệ hộ cận nghèo là 13,99%.
Đối với nguồn vốn, năm 2022 và 2023, tỉnh Quảng Ngãi được phân bổ hơn 1.070 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 542 tỷ đồng và vốn sự nghiệp hơn 527,9 tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai thực hiện, còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Một số nội dung lần đầu tiên thực hiện dẫn tới lúng túng, chậm trễ trong việc tổng hợp, xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện các nội dung còn chậm; một số cơ quan Trung ương chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện; một số cơ chế chính sách thuộc các dự án vẫn chưa được ban hành. Do vậy, tỷ lệ giải ngân vốn trong năm 2022 rất thấp, chỉ đạt 46,83%; năm 2023 chỉ mới giải ngân được 4,9% vốn đầu tư phát triển, chưa giải ngân vốn sự nghiệp.
Để triển khai thực hiện hoàn thành nhiệm vụ của Chương trình năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tham mưu Chính phủ thông báo kế hoạch vốn sự nghiệp giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương chủ động trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung của chương trình, nhất là các nội dung hỗ trợ thực hiện các dự án có chu kỳ hỗ trợ dài; sửa đổi, bổ sung nội dung một số nghị định, thông tư và ban hành các quy định có liên quan về cơ chế, chính sách...
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Ngãi trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng, tích cực của các sở, ngành và địa phương.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nêu rõ, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nội dung rộng lớn, phủ khắp các lĩnh vực với nhiều dự án, tiểu dự án, đối tượng thụ hưởng, địa bàn rộng, lần đầu tiên triển khai theo hướng tích hợp các chính sách trước đây và một số chính sách mới nên quá trình triển khai gặp phải những khó khăn, vướng mắc nhất định.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi cần quan tâm kiện toàn bộ máy tổ chức hệ thống cơ quan công tác dân tộc, bảo đảm đồng bộ, thống nhất; phân quyền, phân cấp rõ ràng; có cơ chế phối hợp về công tác xây dựng kế hoạch, đánh giá khảo sát, kiểm tra giám sát, trao đổi thông tin, xử lý những vấn đề vướng mắc khó khăn; kiểm soát tiến độ phân bổ vốn và giải ngân nguồn lực, trong đó chú trọng công tác kiểm soát theo mục tiêu của từng nội dung, thời gian cụ thể.
Đối với những dự án đã rõ, có tiêu chuẩn, định mức, có đối tượng, địa bàn thì cần tập trung triển khai thực hiện để chương trình nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Về vấn đề giám sát, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị, ngoài việc giám sát nội bộ cần đẩy mạnh công tác giám sát của HĐND và MTTQ trong quá trình tổ chức thực hiện từng dự án để triển khai chương trình một cách đồng bộ, thống nhất, mang lại hiệu quả cao.
"Về những kiến nghị của tỉnh, Ủy ban Dân tộc ghi nhận và cho biết sẽ kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành tháo gỡ tối đa những vướng mắc của địa phương", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho hay.
Trước đó, tối ngày 19/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan đã tham dự chương trình "Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi".
Chương trình "Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" góp phần lan tỏa mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; xây dựng được nhiều hơn nữa những "vườn ươm" khởi nghiệp, các mô hình sản xuất mới hiệu quả; tạo sự kết nối giữa các yếu tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng, phong phú ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Ngãi thời gian tới.
Tại chương trình, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan trao tặng 30 suất học bổng và quà cho các em học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số vượt khó và đang theo học tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Quảng Ngãi.
Lưu Hương