4 trận lũ lớn liên tiếp, hồ chứa thuỷ điện mất khả năng cắt giảm lũ
Trận lũ từ ngày 19/7/2018 đến ngày 25/7/2018 do ảnh hưởng của cơn bão số 3, lưu vực hồ chứa thủy điện Bản Vẽ xuất hiện lũ với lưu lượng đỉnh lũ là 2500 m3/s, tổng lượng lũ là 700 triệu m3. Do thời điểm xảy ra lũ, mực nước hồ chứa thủy điện Bản Vẽ thấp nên hồ chứa đã cắt giảm đến 90% lưu lượng đỉnh lũ cũng như tổng lượng lũ về hồ.
Trận lũ từ ngày 26/7/2018 đến ngày 2/8/2018, do ảnh hưởng của mưa lớn trên diện rộng đã gây ra trận lũ về hồ thủy điện Bản Vẽ với lưu lượng đỉnh lũ là 1440 m3/s, tổng lượng lũ khoảng 650 triệu m3. Đối với trận lũ này, hồ chứa thủy điện Bản Vẽ cũng đã cắt giảm đến 50% lưu lượng đỉnh lũ và gần 60% tổng lượng lũ về hồ.
Trận lũ từ ngày 16/8/2018 đến ngày 27/8/2018, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 đã gây ra trận lũ rất lớn với lưu lượng đỉnh lũ 4.200 m3/s, đây là trận lũ có lưu lượng đỉnh lũ lớn nhất từ khi hồ chứa đi vào vận hành đến thời điểm xuất hiện.
Khi xảy ra đỉnh lũ về hồ ở mức 4.200 m3/s, lưu lượng xả qua công trình xuống hạ du chỉ ở mức 1.200 m3/s. Trận lũ này cũng có tổng lượng lũ lên đến 1.830 triệu m3 (tương đương toàn bộ dung tích hồ chứa thủy điện Bản Vẽ), hồ chứa thủy điện Bản Vẽ đã sử dụng toàn bộ dung tích phòng lũ để cắt, giảm lũ cho hạ du.
Trận lũ từ ngày 29/8/2018 đến ngày 5/9/2018, do đợt mưa lớn trên diện rộng xuất hiện ngay sau bão số 4, lưu vực hồ chứa thủy điện Bản Vẽ lại xuất hiện tiếp một trận lũ rất lớn với lưu lượng đỉnh lũ là 4.260 m3/s. Trận lũ này có lưu lượng đỉnh lũ tương đương tần suất 2% nhưng nó đã xảy ra chỉ sau đỉnh lũ tần suất 2% trước đó có 13 ngày. Ngoài ra, trận lũ này có tới 3 đỉnh lũ, trong đó có 2 đỉnh lũ trên 4.000 m3/s. Tổng lượng lũ của trận lũ này lên đến 1.260 triệu m3.
“Khả năng cắt giảm lũ cho hạ du của hồ chứa thủy điện Bản Vẽ đối với trận lũ này là không đáng kể bởi vì trước đó hồ chứa đã cắt giảm lũ cho hạ du đối với trận lũ do cơn bão số 4, trận lũ tiếp theo xảy ra ngày sau đó, hồ mới chỉ vận hành hạ được 0,9 m so với mực nước dâng bình thường, tương ứng với dung tích khoảng 40 triệu m3”, Bộ trưởng cho biết.
Khẩn trương đánh giá mức độ ảnh hưởng việc xả lũ, xây dựng phương án ứng phó
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết thêm tác động của hoàn lưu bão số 4 (giữa và cuối tháng 8 năm 2018) tại 3 huyện núi cao của tỉnh Nghệ An, người dân nơi đây chịu nhiều hy sinh mất mát về người, tài sản, hạ tầng giao thông, cơ sở vạt chất của nhiều cơ quan, đơn vị, trường học bị ngập lụt, sạt lở, cô lập. Cử tri cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân xả lũ lưu lượng quá lớn và đột ngột của thủy điện Bản Vẽ và một số nhà máy thủy điện trên sông Cả (Nghệ An).
Về tiệc thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Cả, Bộ trưởng cho biết, trận lũ từ ngày (29/8/2018 đến 5/9/2018) là trận lũ lớn, xảy ra ngay sau khi hồ Bản Vẽ vừa cắt giảm lũ cho cơn bão số 4, khả năng cắt giảm lũ cho hạ du gần như không còn. Việc xảy ra 2 trận lũ trong vòng nửa tháng với lưu lượng đỉnh lũ lớn trên 4.000 m3/s ứng với tần suất khoảng 2%, tổng lượng nước của cả 2 trận lũ là trên 3 tỷ m3 nước, gấp 10 lần dung tích phòng lũ của hồ Bản Vẽ.
Theo Quy trình 2125, thẩm quyền chỉ đạo vận hành hồ chứa trong các đợt xả lũ thuộc Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An và Công ty thủy điện Bản Vẽ chấp hành, thực hiện nghiêm túc các lệnh, ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ huy.
Thông tin thêm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, tại báo cáo số 328/BC.ĐTTLN ngày 4/9/2018 của Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Nghệ An đã đánh giá: Trước tình hình thiên tai quá lớn và bất thường lũ bên nước bạn Lào không kiểm soát được trong vòng hơn một tuần đã có hai cơn lũ, đã xuất hiện lũ kép (lũ chồng lên lũ) và việc chỉ đạo vận hành của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh và vận hành của các Nhà máy Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê đã vận hành theo đúng các quy định của Quy trình 2125.
Trong quá trình vận hành xả lũ, Công ty thủy điện Bản Vẽ đã báo cáo UBND huyện Tương Dương trong việc vận hành hồ chứa điều tiết lũ. Đồng thời, lắp đặt hệ thống cảnh báo vùng hạ du bao gồm hệ thống loa cảnh báo từ xa (4 trạm), cắm mốc cảnh báo ngập lụt vùng hạ du (24 mốc). Trước và trong khi vận hành hồ chứa điều tiết lũ, Công ty thủy điện Bản Vẽ cũng đã cử cán bộ công nhân viên đến làm việc trực tiếp với chính quyền các xã, bản vùng hạ du.
Sau đợt lũ, Công ty thủy điện Bản Vẽ, Tổng công ty Phát điện 1 đã phối hợp với địa phương khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống và sản xuất với kinh phí hỗ trợ lên đến 4 tỉ đồng.
Do ảnh hưởng của đợt xả lũ cuối tháng 8/2018, hạng mục cầu dân sinh qua sông Cả bị hư hỏng (gãy đổ trụ T1 và sập 2 nhịp 33x2 m), Công ty thủy điện Bản Vẽ đã làm cầu tạm qua sông Cả để kịp thời phục vụ giao thông của người dân bên bờ phải và khu vực lòng hồ. Hiện nay, công tác thi công đang khẩn trương thực hiện, kế hoạch cuối tháng 11/2018 sẽ hoàn thành.
Hiện nay, Công ty thủy điện Bản Vẽ đang triển khai các thủ tục để xây dựng cầu bê tông qua sông Cả, dự kiến khởi công trong mùa khô 2019 với kinh phí trên 20 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng chỉ đạo Tổng công ty phát điện 1, Công ty thủy điện Bản Vẽ kiểm tra, rà soát toàn bộ hạng mục công trình để phát hiện và khắc phục kịp thời những nguy cơ có thể gây mất an toàn cho công trình; khẩn trước triển khai thực hiện việc đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc xả lũ đến hạ du để xây dựng phương án ứng phó phù hợp, hiệu quả nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hạ du trong quá trình vận hành hồ chứa.
Phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các cơ quan chức năng của địa phương trong việc vận hành công trình, đặc biệt là công tác phối hợp, cảnh báo vận hành xả lũ; Triển khai thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm của chủ công trình trong công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa Bản Vẽ theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ tiếp tục rà soát quy hoạch, kiên quyết loại bỏ các dự án có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, xã hội; rà soát sửa đổi, bổ sung quy trình trình vận hành hồ chứa phù hợp với thực tế; chỉ đạo các chủ công trình thủy điện áp dụng tiến bộ khoa học công vào công tác dự báo thủy văn phục vụ vận hành hồ chứa an toàn, hiệu quả.