![]() |
Việc đấu thầu lốt xe khách được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao chất lượng vận tải hành khách |
Vấn đề đặt ra là trong trường hợp có 2 đơn vị đăng ký cùng một lốt xe, thì quy trình lựa chọn sẽ như thế nào để bảo đảm công bằng, minh bạch? Theo Bộ GTVT, giải pháp cho vấn đề này là sẽ tiến hành đấu thầu công khai.
Theo thông tin từ cuộc họp ngày 2/11 của Bộ GTVT về xây dựng quy trình đấu thầu lựa chọn đơn vị khai thác tuyến vận tải hành khách cố định, thì thông tư về vấn đề này phải được trình ký chậm nhất là ngày 15/11 để có thể triển khai thực hiện ngay trong tháng 12.
Báo Giao thông dẫn lời Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, việc xây dựng quy trình lựa chọn đơn vị khai thác dựa trên nguyên tắc cạnh tranh, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, công bằng, minh bạch và nâng cao được chất lượng dịch vụ vận tải hành khách.
Theo Viện Chiến lược phát triển GTVT, cơ quan xây dựng dự thảo, việc lựa chọn các đơn vị khai thác tuyến vận tải hành khách cố định trước tiên phải đảm bảo các điều kiện như: Tuyến vận tải đó phải nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt; giờ xe chạy được áp dụng quy trình lựa chọn phải nằm trong biểu đồ chạy xe đã được công bố và chưa có đơn vị khai thác hoặc đơn vị đang khai thác hết thời hạn hoặc không bảo đảm các điều kiện tiếp tục khai thác và phải có từ hai đơn vị trở lên đăng ký khai thác tuyến thành công (tính cho cả hai đầu tuyến). Cũng theo dự thảo, thời hạn khai thác trên tuyến là 7 năm kể từ ngày cơ quan tổ chức lựa chọn có văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn.
Để lựa chọn được các đơn vị khai thác tuyến, Ban soạn thảo dự thảo đã đưa ra một bộ tiêu chuẩn đánh giá. Việc lựa chọn DN là đơn vị khai thác tuyến sẽ là DN đáp ứng đủ các điều kiện về hồ sơ, năng lực, điều kiện kinh doanh, đề xuất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu và có tổng số điểm đánh giá cao nhất.
Hiện nay, theo số liệu tổng hợp từ 63 tỉnh, thành phố, cả nước có 3.228 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh (từ bến đến bến) đang có hoạt động khai thác. Mới đây, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 2288, phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh. Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020 sẽ bổ sung thêm 725 tuyến mới trên cả nước. |
Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), cần nghiên cứu trừ điểm đối với các DN vi phạm nhiều lần. Điều này nhằm đảm bảo mức độ an toàn của lái xe và vi phạm của DN. Tiếp thu ý kiến này, ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ) cho biết sẽ nghiên cứu để đưa vào nhưng cần làm sao để đảm bảo công bằng giữa các DN ra đời trước và DN ra đời sau bởi trên thực tế nếu là DN mới thành lập, số lần vi phạm chắc chắn sẽ ít hơn DN đã hoạt động lâu năm.
Lý giải thêm về vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết hiện nay việc nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải rất khó, kể cả với các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh có lưu lượng vận tải lớn, có nhiều doanh nghiệp vận tải cùng tham gia khai thác.
Lý do là theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp sau khi tham gia kinh doanh thường hoạt động vĩnh viễn trên tuyến. Cũng một chiếc xe đó nhưng hoạt động 10-12 năm. Khi không hoạt động nữa, họ bán “lốt” cho doanh nghiệp khác. Vì tâm lý đó nên các đơn vị vận tải không chịu thay đổi, nâng cao chất lượng phục vụ.
Vì thế, để nâng cao chất lượng dịch vụ, cần nghiên cứu để đấu thầu khai thác tuyến dựa trên việc xây dựng tiêu chí của các tuyến đưa vào đấu thầu và căn cứ vào tiêu chí để lựa chọn doanh nghiệp.
Cũng theo bà Hiền, để tiến hành việc đấu thầu, sẽ tính toán về khả năng thu hồi khấu hao của doanh nghiệp, từ đó tính thêm thời gian có lãi. Thay vì để các doanh nghiệp hoạt động vĩnh viễn trên tuyến, sau thời gian này sẽ tiến hành thu hồi và đấu thầu nhằm lập lại chất lượng dịch vụ. Khi đó, các doanh nghiệp mới, có chất lượng tốt hơn sẽ được tham gia đấu thầu với các doanh nghiệp cũ.
Thanh Hằng