Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng-Ảnh VGP/Nhật Bắc |
“Ví như dư luận nói DN sau khi đã cổ phần hoá phải chuyển về SCIC gắn với đó là quá trình thúc đẩy niêm yết, tuy nhiên không phải tất cả bộ ngành, địa phương cơ quan chủ quản đã làm tốt, từ đó dẫn đến những nghi ngờ thiếu minh bạch”, Bộ trưởng nói với Tiền Phong. Ngoài ra, quá trình cổ phần hóa còn chậm so với mục tiêu kế hoạch đề ra.
Theo Bộ trưởng, điểm nhấn của lần bán vốn Nhà nước này, như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, phải thực hiện theo quy định của pháp luật, thông lệ thị trường, bảo đảm minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước.
Điều quan trọng, việc bán cổ phần của các công ty này phải được chào bán công khai trên thị trường để đạt hiệu quả cao nhất (cần thiết SCIC phải tổ chức cả rowshow như phát hành trái phiếu nếu cần). Nhiều khi nhà đầu tư họ chọn mua và chấp nhận giá cao vì thương hiệu.
Tựu trung, những DN có vốn nhà nước dự kiến thoái vốn trong thời gian tới đều là các DN lớn trong một ngành sản xuất, vì vậy khi Nhà nước thoái vốn cần có lộ trình phù hợp đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp và ổn định thị trường; hay nói cách khác, Nhà nước rút vốn khỏi DN một cách có trật tự.
Bộ trưởng khẳng định nguồn thu được từ việc thoái vốn sẽ được sử dụng theo quy định. Một phần sẽ được đầu tư trở lại các DN mà Nhà nước xác định cần nắm giữ theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN.
Một phần khác sẽ được đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước để chi cho đầu tư phát triển theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Như bổ sung cho chi đầu tư phát triển một số công trình quan trọng, có ý nghĩa lớn về xã hội như gói 20 ngàn tỷ chống quá tải” cho 5 bệnh viện tuyến tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, bổ sung vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, hay hỗ trợ vốn dự án chống biến đổi khí hậu...
Thanh Hằng