In bài viết

Bộ trưởng GDĐT và lòng tin trong đổi mới

(Chinhphu.vn) - Trước những đổi mới về giáo dục, phản ứng đầu tiên của xã hội thường bắt đầu là hoài nghi, rồi chất vấn vì ai cũng lo ngại những đổi mới này liệu có mới quá, có gây sốc, có trung thực và hiệu quả. Tuy nhiên, nếu cái mới nào cũng bị phản đối thì mọi thứ sẽ luôn giậm chân tại chỗ.

15/08/2014 17:00
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng những chính sách đổi mới trong giáo dục, đào tạo chỉ có thể thành công với lòng tin vào đội ngũ làm giáo dục. Ảnh: VGP/Đình Nam

Câu chuyện vẫn còn nóng hổi về lòng tin về chính sách gần đây chính là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ trên 98% học sinh đỗ tốt nghiệp đã khiến rất nhiều người hoài nghi về uy tín, mức độ trung thực của kỳ thi này. Đây là trở ngại lớn nhất cho việc lựa chọn phương án cho 1 kỳ thi THPT quốc gia với định hướng sử dụng kết quả cho 2 mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và cơ sở để các trường xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ, ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận đã rất tâm đắc với ý kiến của lãnh đạo một trường ĐH "chúng ta phải có lòng tin vào đội ngũ".

“Tôi đồng tình và thấy xúc động khi nghe ý kiến này. Ta phải có lòng tin, nếu không, tất cả chính sách của chúng ta chỉ nhằm ngăn chặn một vài người phá ngang thì sẽ lệch lạc, không phát triển được”, Bộ trưởng bày tỏ.

Mặc dù Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo được thông qua tại Hội nghị TƯ 9, song trước đó Bộ GDĐT đã triển khai rất nhiều thí điểm đổi mới trong cách dạy cách học ở nhiều vùng miền, nhiều địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau như: Mô hình trường học mới (VNEN), Công nghệ giáo dục, Bàn tay nặn bột...

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng chia sẻ câu chuyện khi ông đến kiểm tra công tác thí điểm một số mô hình VNEN ở Lào Cai, một cô giáo tưởng đây là một cán bộ đến để gây khó dễ đã đề nghị ông đừng dừng thí điểm mô hình VNEN vì theo cô rất tốt, rất khả thi.

Cũng dễ thông cảm vì những ai chưa có điều kiện tiếp xúc để hiểu những thay đổi mà Bộ GDĐT đang tiến hành thì dễ có những phản ứng nghi ngờ, băn khoăn. Song băn khoăn rồi phản ứng tiêu cực khi không tìm hiểu kỹ thì đó là thái độ phiến diện.

Khi Bộ GDĐT quyết  định đổi mới kỳ thi tốt nghiệp năm học 2013-2014 cũng đã vấp phải không ít quan ngại, phản ứng của xã hội, và của chính cán bộ ngành Giáo dục. Song kết quả thực tiễn đã cho thấy kỳ thi tốt nghiệp đã thành công.

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, nhân dân có ý kiến phản ánh rằng, đã hội tụ đủ điều kiện để tiến hành một kỳ thi “2 trong 1”. Sau kỳ thi, học sinh vui vẻ, phấn khởi; hiện tượng phao thi, tiêu cực giảm rất nhiều, xã hội cảm thấy nhẹ nhõm… 

Liên hệ tới các phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia mà Bộ GDĐT đang lấy ý kiến, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, có thể thấy rõ những sự bố trí, thay đổi lại; đánh giá kết quả thi tốt nghiệp THPT cần công bằng. Tổ chức một kỳ thi quốc gia đồng nghĩa khối đại học và khối phổ thông cần phối hợp với nhau trên tinh thần tin tưởng.

Nếu các trường ĐH là "quả đấm thép" của ngành GD thì các trường THPT là "bộ đội địa phương", cần phối hợp với nhau thì mới có thể thắng trong các trận đánh lớn. Tuy nhiên, tin tưởng nhưng không mù quáng, chúng ra phải củng cố, siết chặt đội ngũ, loại bỏ cái xấu, cái yếu kém; chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho sự phát triển lành mạnh, đồng thời, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, người đứng đầu ngành Giáo dục nhấn mạnh.

Nguyệt Hà