Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể bày tỏ mong muốn các địa phương hỗ trợ ngành giao thông về kinh phí lập quy hoạch cảng hàng không. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Báo cáo với Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương chiều 4/7, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết địa phương nào cũng đề cập đến các dự án giao thông bởi đây là “nhu cầu đặc biệt, nơi nào cũng cần”, nhất là các dự án cảng hàng không, sân bay.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, trước khi có Quyết định 236 hệ thống sân bay chưa có quy hoạch hoàn chỉnh. Nay, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không sân bay rồi thì lại không có kinh phí tổ chức làm quy hoạch.
Bộ trưởng đánh giá cao TP. Đà Nẵng đã ứng trước kinh phí cho Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) lập quy hoạch điều chỉnh sân bay, rồi sau này bố trí ngân sách được thì trả lại. Chính sách này giúp đẩy nhanh tiến độ quy hoạch sân bay, nâng cấp nhà ga.
“Số tiền này không nhiều nhưng ý nghĩa của nó rất lớn vì không có quy hoạch thì không thể triển khai được dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tha thiết đề nghị các tỉnh linh động sử dụng ngân sách địa phương tạm ứng cho ngành giao thông làm quy hoạch.
Nhiều sân bay trong tình trạng cấp bách phải điều chỉnh
Liên quan đến vấn đề kinh phí lập quy hoạch sân bay, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, năm 2019, cơ quan này được Bộ GTVT giao lập Đề án quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến 2050 và 5 Đề án điều chỉnh quy hoạch các Cảng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng, Pleiku, Phú Quốc, Cam Ranh. Theo Luật Quy hoạch, những đề án này thuộc quy hoạch quốc gia nên được thực hiện theo nguồn đầu tư công. Tuy nhiên, Cục Hàng không hiện vẫn chưa được bố trí vốn để thực hiện đề án.
Theo ông Đinh Việt Thắng, công suất cả 2 nhà ga quốc nội và quốc tế của Đà Nẵng tối đa chỉ 10 triệu khách/năm nhưng hiện đã quá tải khoảng 3 triệu khách.
Do đó, để đảm bảo thực hiện theo Quyết định 236, sân bay Đà Nẵng phải đạt công suất tối đa khoảng 30 triệu khách. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải xây dựng một nhà ga mới công suất 18 - 20 triệu khách/năm tại đây.
Với Cảng hàng khôn quốc tế Cam Ranh, ông Thắng cho hay, sản lượng năm 2018 là 8,250 triệu hành khách trong khi theo Quy hoạch hiện hành, đến năm 2020, cảng này chỉ đạt 8 triệu khách. Nhà ga quốc tế mới xây xong đã quá tải. Cam Ranh sẽ phải xây nhà ga mới công suất tối thiểu 15 triệu khách/năm, đảm bảo đến 2030 có thể đón được 25 triệu khách.
Tình hình tại Phú Quốc cũng rất cấp bách khi hết năm 2018 đã có 3,2 triệu hành khách thông qua sân bay này trong khi đó, theo quy hoạch hiện hành, giai đoạn đến năm 2020, công suất thiết kế Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đạt 2,65 triệu khách, giai đoạn đến năm 2030 là 7 triệu khách/năm. Ngoài ra, theo Quyết định 236, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được xác định mở rộng công suất dự kiến 4 triệu khách/năm giai đoạn 2020 và 10 triệu khách/năm giai đoạn 2030.
Mới đây, trong văn bản báo cáo tình hình triển khai các đề án quy hoạch cảng hàng không, sân bay ngày 13/6/2019, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT bố trí nguồn vốn thực hiện quy hoạch 5 cảng hàng không đang ở mức “báo động đỏ” này.
Riêng với Cảng hàng không Đà Nẵng, mặc dù đã được địa phương chấp thuận hỗ trợ kinh phí nhưng còn vướng mắc trong quá trình hoàn tất thủ tục chuyển tiền cho Cục Hàng không Việt Nam, do vậy đơn vị này tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT chuyển đề án điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sang Quý I/2020.
Phan Trang