Báo cáo về công tác triển khai phòng chống bão số 4, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam có 73 hồ chứa thủy lợi, đến thời điểm hiện nay, các hồ chứa thủy lợi đã tích nước đạt 40-50% dung tích hữu ích thiết kế. Mực nước hồ Phú Ninh hiện tại ở cao trình 22,14m/32m (mực nước dâng bình thường). Sở NN&PTNT đã tổ chức kiểm tra an toàn hồ chứa trước mùa mưa bão và hướng dẫn các chủ đập, chủ đầu tư xây dựng đập xây dựng phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Về hồ thủy điện, trên địa bàn tỉnh có 4 hồ chứa thủy điện ảnh hưởng đến vùng hạ du, gồm: Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4 và Đăk Mi 4. Hiện nay, dung tích tại các hồ chứa thủy điện còn thấp, tích đạt từ 20-30%. Sở Công Thương đã tổ chức kiểm tra an toàn hồ chứa trước mùa mưa bão.
Để chủ động ứng phó bão lũ, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các nhà máy thủy điện chủ động tính toán, tổ chức vận hành bảo đảm mực nước hồ thủy điện Sông Bung 2, Sông Bung 4, A Vương, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2 không vượt cao trình mực nước đón lũ thấp nhất và chuyển chế độ vận hành theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 8, điểm b Khoản 2 Điều 9 Quy trình 1865.
Việc tổ chức vận hành phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa. Xây dựng kịch bản vận hành, điều tiết hồ gửi về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam trước 6h ngày 27/9. Tổ chức thực hiện việc thông tin, thông báo đến chính quyền, người dân vùng hạ du về công tác vận hành.
Đến trưa nay, tỉnh Quảng Nam còn 14 tàu hoạt động trong vùng nguy hiểm, trong đó 2 tàu sắp về tránh trú tại cảng Kỳ Hà. Tỉnh đã chỉ đạo biên phòng liên lạc, hướng dẫn hướng tránh trú an toàn cho tàu cá. Theo kế hoạch, các địa phương trên địa bàn tỉnh sơ tán hơn 182.000 người đối với bão mạnh, hơn 400.000 người trong tình huống có siêu bão.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đã chỉ đạo các địa phương tổ chức sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; tập trung cho sơ tán dân ven biển đến nơi an toàn, tối thiểu nhà cấp 3 có sàn bê tông chắc chắn; những nơi không bảo đảm an toàn thì không sơ tán người đến trú. Công tác sơ tán dân phải hoàn thành trước 9h ngày 27/9, đồng thời bảo đảm lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung.
Báo cáo về công tác phòng chống sạt lở biển Cửa Đại, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An thông tin, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã cho đầu tư xây dựng tuyến đê ngầm chắn sóng bước đầu hồi sinh bãi biển Cửa Đại. Tuyến đê này dài 1.530 m nối tiếp với dự án chống xói lở khẩn cấp và bảo vệ bờ biển Hội An kết hợp với nạo vét Cửa Đại về phía bắc. Đợt bão này cũng thử nghiệm xem tuyến đê ngầm phát huy hiệu quả tới mức độ nào.
Về công tác phòng chống bão số 4, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An thông tin, địa phương đã chỉ đạo các lực lượng hướng dẫn, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, trụ sở, kho tàng cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch... để bảo đảm an toàn cho nhân dân và khách du lịch. Công tác di dời dân ở khu vực nguy hiểm đang được tiến hành khẩn trương.
Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu cả hệ thống chính trị của Quảng Nam cần vào cuộc mạnh mẽ, tích cực tuyên truyền nhân dân, sẵn sàng mọi phương án ứng phó theo từng cấp độ rủi ro của bão. Đồng thời, đề nghị tỉnh chỉ đạo các lực lượng xung kích, tình nguyện sẵn sàng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, neo buộc tàu thuyền, sẵn sàng tham gia khi có tình huống phức tạp nảy sinh, nhất là khu vực miền núi phải dự trù tình huống đối phó với nước sông suối dâng cao, sạt lở núi nhằm giảm tối đa các thiệt hại về người và tài sản.
Thế Phong