* Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp tiếp tục phát triển tích cực kể từ sau gần 10 năm nâng cấp, hợp tác hai bên được thúc đẩy trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa qua (tháng 11/2021) đã tạo xung lực mới cho quan hệ Việt Nam–Pháp trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn hoan nghênh những bước phát triển trong hợp tác văn hoá-giáo dục, y tế giữa hai nước trong thời gian qua, cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của Chính phủ và nhân dân Pháp cho Việt Nam trong thời gian đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai nước trao đổi và triển khai hiệu quả các biện pháp nhằm đưa hợp tác hai bên đi vào chiều sâu, hiệu quả trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch; thúc đẩy tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao, và các cấp, nhất là nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược trong năm 2023.
Đánh giá hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng của Đối tác chiến lược, Bộ trưởng đề nghị Pháp sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) để tối đa hóa tiềm năng hợp tác giữa hai nước. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao vai trò và tiếng nói của Pháp trên trường quốc tế và sự hợp tác của hai nước tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên Hợp Quốc, trong ASEM, hợp tác ASEAN-EU, Cộng đồng Pháp ngữ…
Bộ trưởng Catherine Colonna nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam–Pháp, đánh giá cao vị thế và vai trò Việt Nam tại khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương và khẳng định mong muốn hợp tác, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam thời gian tới trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động và thách thức.
Bộ trưởng Catherine Colonna khẳng định nhiều doanh nghiệp Pháp quan tâm, mong muốn đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Pháp có thế mạnh như công nghệ xanh, công nghệ số, năng lượng sạch. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp mong muốn sớm thực hiện chuyến thăm Việt Nam để trao đổi kỹ hơn về những biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển toàn diện, hiệu quả hơn trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế-thương mại, văn hoá, quốc phòng, giáo dục, du lịch, khoa học–công nghệ…
* Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Papua New Guinea Justin Tkatchenko bày tỏ ngưỡng mộ trước những thành tựu kinh tế-xã hội mà Việt Nam đạt được sau hơn 35 năm Đổi mới và mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam.
Bộ trưởng Tkatchenko khẳng định, Papua New Guinea xác định quan hệ với Việt Nam mang tầm chiến lược trong thời gian tới. Papua New Guinea mong muốn sớm mở cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam để tăng cường hợp tác hai nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư, chế biến nông sản, hải sản, khai thác mỏ, năng lượng khí hoá lỏng và hợp tác giữa các địa phương.
Bộ trưởng Justin Tkatchenko cho biết, Papua New Guinea mong muốn Việt Nam giúp chia sẻ kinh nghiệm công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Papua New Guinea.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ những thành tựu kinh tế-xã hội mà Việt Nam đã đạt được sau hơn 35 năm Đổi mới, khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Papua New Guinea, nhất trí hai bên tăng cường hợp tác trong các các lĩnh vực cùng quan tâm.
Hai Bộ trưởng nhất trí đẩy mạnh trao đổi đoàn cấp cao và các cấp cũng như khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của doanh nghiệp hai nước; thống nhất thúc đẩy triển khai Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thuỷ sản, trong đó có việc thành lập Uỷ ban kỹ thuật chung về hợp tác nghề cá; nghiên cứu lập thêm cơ chế và ký kết một số thoả thuận nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các hợp tác như khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần, dầu khí.
Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, APEC và các diễn đàn khu vực và quốc tế. Bộ trưởng Ngoại giao Justin Tkatchenko khẳng định, Papua New Guinea ủng hộ lập trường, nỗ lực của ASEAN và Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối thúc đẩy quan hệ Papua New Guinea với ASEAN, đồng thời mong muốn Papua New Guinea phối hợp, hỗ trợ thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các quốc đảo Thái Bình Dương.
Theo TTXVN