In bài viết

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Không để tái diễn những lễ hội phản cảm

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh quan điểm này khi phát biểu kết luận Hội nghị sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu Xuân Đinh Dậu 2017 được tổ chức sáng 24/2 tại Hà Nội.

24/02/2017 16:07
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu kết luận Hội nghị sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu Xuân Đinh Dậu 2017. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trước đại diện các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo sở VHTT&DL các địa phương có nhiều hoạt động lễ hội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá: “Công tác tổ chức và quản lý lễ hội đầu Xuân 2017 có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Chính quyền các cấp đã vào cuộc rất quyết liệt; những lễ hội mang tính phản cảm, bạo lực đã được chuyển đổi hình thức và giảm đi rất nhiều”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế trong hoạt động lễ hội đầu xuân, trong đó có vấn đề về phân cấp, phân định trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về lễ hội. Ở một số nơi công tác quản lý còn bị buông lỏng, công tác thanh, kiểm tra chưa được tăng cường; hình ảnh phản cảm, chen lấn, tranh cướp lộc còn diễn ra; còn có biểu hiện thương mại hóa trong hoạt động lễ hội;…

Đề cập tới nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, ngành VHTT&DL cần phải giải quyết hiệu quả 2 trước mắt và lâu dài.

Cụ thể, về vấn đề trước mắt, cần nhìn thẳng, nhìn rõ những tồn tại, hạn chế vừa qua trong hoạt động lễ hội để rút kinh nghiệm, kiểm điểm sâu sắc trên tinh thần nghiêm túc, không phải làm qua loa, hình thức, làm theo kiểu xuê xoa; phải quy trách nhiệm cụ thể, trách nhiệm của ngành nào, cấp nào thì ngành đó, cấp đó phải chịu trách nhiệm. Những nơi nào, địa phương nào không được cấp phép tổ chức lễ hội mà vẫn tổ chức thì phải phạt, phải có hình thức xử lý nghiêm khắc.

Về nhiệm vụ lâu dài, trên cơ sở những kinh nghiệm đã được đúc rút, cần phải xây dựng, triển khai các giải pháp căn cơ trong công tác quản lý lễ hội; bảo đảm công tác tổ chức, quản lý năm sau phải tốt hơn năm trước.

“Phải có những giải pháp căn cơ, không vướng vào vòng luẩn quẩn của những giải pháp tình thế. Phải làm sao để năm sau khắc phục được những tồn tại, hạn chế của năm trước. Có lễ hội phản cảm nào đang còn thì năm sau cố gắng không để tái diễn những lễ hội đó hoặc hạn chế tới mức thấp nhất”, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL phát biểu và dẫn chứng: “Năm nay công tác tổ chức, quản lý lễ hội ở chùa Hương là tốt, nhưng chỉ một hành động bột phát của một vị sư phát lộc đã gây phản cảm, tạo dư luận không tốt. Cần tăng cường các biện pháp quản lý để những hành động như vậy không tái hiện nữa”.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng yêu cầu ngành VHTT&DL chỉ đạo dừng tổ chức đối với những lễ hội đã cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, kích động, bạo lực, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Đồng thời cần phải có các nghiên cứu sâu về vấn đề lễ hội; bảo đảm lễ hội được tổ chức với hình thức nào đó để nhân dân chấp nhận được, nhưng cũng phải phù hợp với bối cảnh của thời kỳ hiện đại, thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng: “Không phải ngày xưa lễ hội như thế thì giờ cũng phải như thế. Chúng ta không để đánh mất bản chất của một lễ hội nào đó, nhưng lễ hội đó cũng phải thay đổi hình thức để phù hợp với điều kiện, bối cảnh, hoàn cảnh thực tế”.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cũng đánh giá cao vai trò của báo chí trong công tác thông tin, phản ánh, nêu các mặt trái của lễ hội đầu xuân; mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành cùng với ngành để phản ánh công tác tổ chức, quản lý các hoạt động lễ hội trên tinh thần thông tin khách quan, đúng thực tế để cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện tốt hơn nữa công tác chỉ đạo tổ chức, quản lý lễ hội; bảo đảm cho các lễ hội xuân diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, trang nghiêm, linh thiêng,…đáp ứng tốt nhu cầu tâm linh, vui xuân, du xuân của nhân dân.

Nguyễn Hoàng