In bài viết

Bộ trưởng Quốc phòng chỉ đạo kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa

(Chinhphu.vn) – Ngày 17/8, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Đối ngoại quốc phòng (ĐNQP) giai đoạn 2010 - 2015 và Sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

18/08/2016 08:30
Đại tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh MOD
Dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương (QUTW), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, đây là Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ nhằm đánh giá những mặt được, những mặt hạn chế của công tác ĐNQP, nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật để làm sao công tác ĐNQP phải chất lượng cao hơn, hiệu quả hơn, thực hiện tốt nhất những quan điểm, đường lối của Đảng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nói chung và Nghị quyết số 806-NQ/QUTW của QUTW nói riêng về ĐNQP.

Qua 5 năm, ĐNQP đã đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng. Đến nay, chúng ta đã có quan hệ quốc phòng ở các cấp độ khác nhau với hơn 80 nước, trong đó có tất cả các nước lớn. Quân đội đã trở thành thành viên tích cực và có trách nhiệm của các diễn đàn khu vực và quốc tế như: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM )… Chúng ta cũng tranh thủ được sự hợp tác, giúp đỡ của các đối tác, nhất là đối tác có tiềm lực lớn về kinh tế và khoa học kỹ thuật tiên tiến để góp phần nâng cao sức mạnh, tiềm lực của quân đội...

Nhìn tổng thể, tuy chúng ta đã mở rộng được đáng kể quan hệ quốc phòng với các nước, nhưng chưa đạt được chiều sâu; nhiều thỏa thuận chậm được triển khai... Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả công tác ĐNQP trong thời gian tới, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đề nghị tập trung vào một số nội dung.

Trước hết, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 806-NQ/QUTW của QUTW về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng. Đồng thời, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, từ đó đề xuất với Đảng và Nhà nước những chủ trương, quyết sách thích hợp, nhằm tận dụng những cơ hội, ứng phó với những khó khăn, thách thức mới. Đặc biệt chú trọng những nghiên cứu mang tính tổng thể và dài hơi trong quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn ảnh hưởng trực tiếp tới thế giới, khu vực và với nước ta.

Coi hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng là một định hướng chiến lược và phải nhận thức đây là kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa. Tiếp tục đưa quan hệ quốc phòng với các nước đi vào chiều sâu bền vững, trong đó ưu tiên quan hệ với các nước có biên giới liền kề, củng cố, phát triển quan hệ quốc phòng với các nước lớn, coi trọng quan hệ với các nước ASEAN, tăng cường quan hệ với các nước bạn bè truyền thống và các nước công nghiệp phát triển...

Đi đôi với triển khai thực hiện Đề án hội nhập quốc tế về quốc phòng, cần đề xuất biện pháp để phát huy vai trò của Quân đội như một thành viên tích cực, chủ động của các thể chế quân sự, quốc phòng khu vực và toàn cầu. Cần phải tranh thủ thời gian, chuẩn bị tích cực cho năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN...

Phối hợp chặt chẽ với các Ban, Bộ, ngành Trung ương để thống nhất, phối hợp có hiệu quả trong hoạch định chính sách và triển khai thực hiện các hoạt động hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng. Đẩy mạnh hoạt động giao lưu, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với các vấn đề quốc tế, nhất là các vấn đề có liên quan đến quốc phòng, an ninh ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nước ta. Đặc biệt, cần coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, các quy định về sự phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân với ĐNQP, bảo đảm ngày càng có hiệu quả thiết thực.

Làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền ĐNQP bằng nhiều hình thức, bằng nhiều biện pháp, trong đó chú trọng tuyên truyền, quảng bá hình ảnh tốt đẹp của Quân đội với bạn bè quốc tế. Qua đó, làm cho thế giới hiểu rõ đường lối đối nội, đối ngoại, chính sách quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta...

Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu với công tác ĐNQP. ĐNQP không phải của riêng đơn vị nào mà là công việc chung của tất cả các đơn vị trong toàn quân... ĐNQP là phương thức bảo vệ Tổ quốc trong thời bình, phải tăng cường nghiên cứu, nhận dạng các hình thái xung đột vũ trang, phi vũ trang và các loại hình xung đột, chiến tranh tương lai để chủ động đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, hoàn chỉnh các phương án, kịp thời đối phó thắng lợi với các tình huống có thể xảy ra cả trên không, trên bộ và trên biển.

Cuối cùng và là điều có ý nghĩa quyết định nhất, đó là xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác ĐNQP có đủ bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ mới. QUTW, BQP coi trọng vị trí của ĐNQP, coi trọng các đồng chí làm công tác ĐNQP và sẽ quan tâm đến đội ngũ cán bộ làm công tác này, xác định trong thời bình, ĐNQP là kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch mong rằng, các cán bộ làm ĐNQP sẽ nỗ lực rèn luyện bản lĩnh chính trị, hun đúc lòng yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, thể hiện truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, đồng thời không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp. Cảnh giác trước những mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, vượt qua những cám dỗ của tiền tài, lợi ích vật chất và những mưu toan, cạm bẫy của các thế lực xấu.