In bài viết

Bộ trưởng Thái Lan mất chức vì chương trình mua tạm trữ lúa gạo

(Chinhphu.vn) - Ngày 30/6, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã quyết định cách chức Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyapirom trong bối cảnh ông này đang phải hứng chịu những lời chỉ trích từ dư luận về chương trình mua tạm trữ gạo – một chương trình đã gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước, đồng thời khiến quốc gia Đông Nam Á này mất vị thế nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

01/07/2013 17:30

Ông Niwatthamrong Bunsongphaisan, người đã từng lãnh đạo kênh truyền hình iTV thuộc sở hữu của gia đình Shinawatra nhưng đã bị giải thể, sẽ thay ông Boonsong giữ chức Bộ trưởng Thương mại. Bên cạnh đó, ông Niwatthamrong cũng giữ chức Phó Thủ tướng.

Mặc dù cách chức ông Boonsong nhưng Thủ tướng Yingluck vẫn giữ ông Kittirat Na Ranong ở vị trí Bộ trưởng Tài chính và ông Nattawut Saikua, người gần đây đã tích cực bảo vệ chương trình mua tạm trữ lúa gạo, ở vị trí Thứ trưởng Thương mại.

Chính phủ Thái Lan bắt đầu triển khai chương trình mua tạm trữ lúa gạo từ tháng 10/2011, với giá thu mua được cố định ở mức 15.000 baht/tấn gạo, nhằm tăng thu nhập cho các hộ nông dân.

Tuy nhiên, chương trình này đang gây tranh cãi trong dư luận Thái Lan khi có một số ý kiến cho rằng chương trình này là lãng phí và chỉ tạo điều kiện cho tham nhũng và buôn lậu gạo.

Hôm 18/6, tờ “Bưu điện Băng Cốc” cho biết Chính phủ Thái Lan đã chi khoảng 352 tỷ baht để mua 21,7 triệu tấn gạo trong niên vụ 2011/12. Họ đã bán một phần số gạo này với tổng trị giá khoảng 59,2 tỷ baht. Giá trị của số gạo vẫn còn tồn kho (trên cơ sở giá gạo vào ngày 31/1) là 156 tỷ baht. Chính phủ Thái Lan thừa nhận số lỗ tạm thời từ chương trình trên là 136 tỷ baht.

Cùng với số lỗ trên, chương trình này đã khiến giá lúa gạo xuất khẩu Thái Lan tăng vọt và làm giảm lợi thế cạnh tranh của gạo Thái Lan trên thị trường quốc tế. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến Thái Lan để mất vị thế nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới vào tay Ấn Độ trong năm ngoái khi chỉ xuất khẩu được 6,9 triệu tấn gạo, giảm mạnh so với con số 10,6 triệu tấn của năm 2011.

Ngày 3/6, tổ chức Moody’s Investors Service Inc. cảnh báo tình trạng này có thể gây trở ngại để Băng Cốc hoàn thành mục tiêu cân bằng ngân sách vào năm 2017 và tác động tiêu cực đến bậc xếp hạng tín nhiệm của nước này.

Trong bối cảnh đó, hôm 19/6, Chính phủ Thái Lan đã quyết định giảm mức trợ giá cho những người trồng lúa theo chương trình mua tạm trữ lúa gạo. Theo đó, kể từ ngày 1/7/2013, Chính phủ Thái Lan sẽ chỉ trả 12.000 baht (390 USD) cho 1 tấn thóc, giảm 20% so với mức giá thu mua vẫn được áp dụng kể từ khi bắt đầu thực hiện chương trình trên (15.000 baht/tấn). Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải phản ứng quyết liệt của nhiều nông dân./.

Huyền Nhung