In bài viết

Bộ trưởng và Thống đốc trả lời rất thẳng thắn, mạch lạc, tự tin

(Chinhphu.vn) - Đại biểu Quốc hội đánh giá, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng rất thẳng thắn, mạch lạc và tự tin trước nhiều vấn đề lớn từ kinh tế vĩ mô đến điều hành cụ thể của ngành và các vấn đề mà dư luận quan tâm.

08/06/2022 18:00
Bộ trưởng và Thống đốc trả lời ngắn gọn và tự tin - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Khoa - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Trả lời Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) và Vương Thị Hương (Đoàn ĐBQH Hà Giang) cho biết, các vị ĐBQH đã đặt câu hỏi chất vấn liên quan đến rất nhiều nội dung của đời sống kinh tế-xã hội; nhiều nội dung cụ thể nhưng cũng nhiều nội dung hết sức vĩ mô đòi hỏi Bộ trưởng cũng như Chính phủ phải nghiên cứu để giải quyết trong thời gian tới. 

Bộ trưởng nắm rất tốt công việc nên trả lời thẳng thắn, không né tránh đồng thời sẵn sàng tiếp thu các nội dung mà đại biểu Quốc hội đề xuất phù hợp với thực tiễn cũng như các quy định của pháp luật. Việc tranh luận để làm rõ vấn đề giữa ĐBQH và Bộ trưởng cũng diễn ra thẳng thắn, sôi nổi, làm rõ vấn đề mà cử tri quan tâm…

Các đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng và được Bộ trưởng và Thống đốc trả lời mạch lạc, bình tĩnh, tự tin, mặc dù đây là lần đầu tiên "đăng đàn" trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Cụ thể, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thẳng thắn để đại biểu và cử tri biết rõ việc xử lý cán bộ sai phạm của ngành tài chính thời gian qua, đưa ra các giải pháp đồng bộ để thanh tra, kiểm tra, luân chuyển công tác để hạn chế tiêu cực, tham nhũng trong các lĩnh vực nhạy cảm như hải quan, thuế, kho bạc…

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã làm rõ một số vấn đề "nóng" mà đại biểu và cử tri quan tâm đặt chất vấn như quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay bất động sản; xử lý nợ xấu theo nghị quyết của Quốc hội; ngân hàng yếu kém; việc phát triển các tổ chức tài chính vi mô hỗ trợ việc tiếp cận vốn vay cho người nghèo và đối tượng yếu thế, qua đó hạn chế "tín dụng đen", lừa đảo vay tiền và đòi nợ qua các App trên điện thoại di động.

Bộ trưởng và Thống đốc trả lời ngắn gọn và tự tin - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng chiến lược tín dụng quốc gia, trong đó đã quan tâm, chăm lo đến cho vay tín dụng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa để góp phần từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

Thống đốc cũng làm rõ để cử tri và nhân dân biết các khái niệm về tiền kỹ thuật số, tiền điện tử, tiền ảo, do tổ chức hoặc cá nhân tạo ra bằng thuật toán trên mạng internet được giao dịch trong một cộng đồng nhất định như cộng đồng game online.

Vấn đề các đại biểu chất vấn là che giấu nợ xấu, phân loại nợ sai của các ngân hàng thương mại và kiểm soát rủi ro khi ngân hàng cho vay chứng khoán cũng đã được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ qua hệ thống thông tin tín dụng.

Về các giải pháp phòng chống lừa đảo, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn mở tài khoản điện tử và xác thực định danh bằng căn cước công dân. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng tội phạm công nghệ cao, lừa đảo lấy cắp thông tin, tiếp cận Internet banking để lấy trộm tiền trong tài khoản, chèn song bằng tin nhắn giả mạo… Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường bảo đảm an toàn bảo mật, quy trình thủ tục nhận diện rủi ro, phát hiện vấn đề, đưa ra các giải pháp ứng cứu, xử lý và ngăn chặn, khuyến cáo nhân dân nâng cao cảnh giác. Về hiện tượng đòi nợ của các công ty tài chính, hiện đã có quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc này như chỉ được đòi nợ từ 9h đến 21h…

Theo hai đại biểu, do thời gian trả lời rất ngắn nên chắc chắn sẽ không thể thoả mãn tất cả ý kiến các vị đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước, nhưng phiên trả lời của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã trả lời rất rõ các nội dung mà đại biểu và cử tri quan tâm./.

Lê Sơn - Đình Hải (thực hiện)