Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trả lời một cách thẳng thắn, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã giải tỏa những lo lắng này của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời cung cấp thêm thông tin cho các chuyên gia phân tích kinh tế.
Hỗ trợ toàn diện nhưng có liều lượng phù hợp
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng tình hình kinh tế nước ta trong quý I và tháng 4 đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô đã đi dần vào thế ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt. Tuy nhiên do chủ trương điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ một cách chặt chẽ, nên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn, cả về đầu ra, đầu vào cũng như khả năng hấp thụ và sử dụng vốn.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng khẳng định, trong Nghị quyết 13, các giải pháp về tài chính, tiền tệ, đặc biệt là về tài chính, đã tập trung tháo gỡ và hỗ trợ cho doanh nghiệp trong cả lĩnh vực chi phí đầu vào, bán hàng, tức là đầu ra và hỗ trợ vốn.
“Đối với hỗ trợ đầu ra, điều quan trọng là phải tăng tổng cầu, tức là chúng ta đẩy mạnh, rất mạnh và rất khẩn trương việc phân bổ, giao vốn, giải ngân cho các dự án đầu tư công, từ ngân sách nhà nước tập trung, từ trái phiếu Chính phủ, từ các chương trình mục tiêu quốc gia”, Bộ trưởng nói.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành Kho bạc Nhà nước phối hợp chặt chẽ với ngành Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư của các tỉnh, các bộ, ngành ứng trước vốn xây dựng cơ bản theo quy định, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, trên cơ sở các công trình đầu tư công được đưa vào thi công, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp giải quyết lượng hàng hóa tồn kho, đặc biệt là những loại hiện đang có lượng tồn kho cao như xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng.
Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, lần này Chính phủ cũng bổ sung thêm 2.000 tỷ đồng để cho vay đầu tư kiên cố hóa kênh mương, hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, các trạm bơm lớn cho các cánh đồng mẫu lớn ở các địa phương phía Nam. Đồng thời, Chính phủ cho phép các tỉnh được mua sắm từ nguồn kinh phí đã có dự toán từ năm 2011 chuyển sang 2012, số này ước tính gần 1700 tỷ đồng.
Đó là những giải pháp tăng tổng cầu, đẩy nhanh tốc độ đối với chi tiêu công, làm cho tính thanh khoản của doanh nghiệp được tăng lên.
Đối với đầu vào, Bộ trưởng cho biết, mục tiêu là giúp cho doanh nghiệp giảm các chi phí về tài chính, chi phí về hoạt động.
Theo nhóm giải pháp này, Chính phủ đưa ra các giải pháp về giãn thuế giá trị gia tăng, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn tiền thu sử dụng đất, thậm chí là cho doanh nghiệp được giãn nợ thuế. Đồng thời, Chính phủ cũng quyết định lùi thời điểm thu phí sử dụng đường bộ 7 tháng so với kế hoạch, riêng việc lùi thu khoản phí này giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm được 3.000 đến 3.300 tỷ đồng.
Đối với tính thanh khoản, Chính phủ đưa ra các giải pháp tạo ra được loại vốn có chi phí rẻ, thậm chí là không có phí và lãi suất.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ phân tích, riêng giải pháp giãn thuế giá trị gia tăng, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền thu sử dụng đất… đã giúp doanh nghiệp có một lượng vốn khoảng 16 ngàn tỷ đồng để quay vòng, đưa vào sản xuất kinh doanh và nguồn vốn này được sử dụng ít nhất từ 6 đến 9 tháng với lãi suất bằng 0. Điều đó giúp giảm được chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí tài chính, giúp doanh nghiệp có một khoản vốn để hoạt động, giám bớt áp lực vay vốn của ngân hàng.
Đảm bảo công khai minh bạch
Theo Bộ trưởng, hiện nay trong dư luận nổi lên một số lo ngại và thắc mắc. Cụ thể là vì sao chỉ tập trung cho lĩnh vực sản xuất mà không tập trung cho lĩnh vực lưu thông; những giải pháp về giảm thuế, miễn thuế chỉ có tác động đối với các doanh nghiệp làm ăn có lãi, vấn đề minh bạch trong triển khai gói giải pháp.
Bộ trưởng khẳng định Chính phủ đã cân nhắc rất kỹ lưỡng các vấn đề này.
Tính riêng giải pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thì những doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, thậm chí những doanh nghiệp đang hoạt động nhưng không có lãi sẽ không được hưởng lợi.
“Tuy nhiên, tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động sẽ được hưởng lợi trong gói giải pháp này cả về đầu vào, đầu ra cũng như huy động vốn như tôi đã nói ở trên”, Bộ trưởng phân tích.
Đồng thời, các giải pháp tài chính sẽ không chỉ tập trung cho doanh nghiệp sản xuất mà còn tập trung cho các doanh nghiệp lưu thông và phân phối.
Trước hết, Chính phủ đã quyết định sẽ tăng chi phí xúc tiến thương mại, để xúc tiến, tìm kiếm thêm thị trường trong và ngoài nước. Bộ Tài chính đang tích cực để bổ trí thêm vốn, thêm kinh phí cho Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai công tác này.
Với giải pháp giảm 50% tiền thuê đất, Chính phủ đề xuất hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, lưu thông. Ước tính, trị giá của biện pháp khoảng từ 800 đến 1.000 tỷ đồng. Đó là những giải pháp hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, cũng như trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại.
“Nếu anh sản xuất tốt lên, thì hoạt động lưu thông phân phối mới có cơ sở để tốt lên được và ngược lại khâu lưu thông phân phối có tác động trở lại khâu sản xuất. Gói giải pháp của Chính phủ hướng tới cả hai khâu sản xuất và lưu thông, giúp hai khâu này bổ sung cho nhau”, Bộ trưởng nói.
Một vấn đề đảm bảo tính minh bạch, ngay khi Nghị quyết 13 được ban hành, Bộ Tài Chính đã yêu cầu các cơ quan chức năng soạn thảo, ban hành các thông tư hướng dẫn và sẽ tổ chức tập huấn cho các cán bộ cơ quan thuế ở các địa phương để triển khai các gói giải pháp này theo tinh thần kịp thời, đúng đối tượng và một cách thuận lợi nhất.
Bộ Tài chính sẽ đăng tải những hướng dẫn và thông tư này với các tiêu chí, loại đối tượng doanh nghiệp được hưởng một cách công khai, rõ ràng trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính.
Việc làm này sẽ giúp tất cả các doanh nghiệp biết sẽ được hưởng lợi như thế nào, đồng thời giúp ngành Tài chính thuận lơi hơn trong việc giám sát, kiểm tra và đôn đốc để thực hiện các biện pháp.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, “một trong những nguyên tắc để xây dựng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp lần này là phải đặt trong bối cảnh kiên trì các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, và đặt vấn đề đây là một gói hỗ trợ chứ không phải là một gói kích cầu hay là gói cứu trợ doanh nghiệp. Bản thân các giải pháp cũng đều dựa trên cơ sở của những nghiên cứu, tổng kết rất công phu, kỹ lưỡng”. Bộ Tài chính đã thành lập một tổ “đặc nhiệm” để nghiên cứu các chỉ số kinh tế vĩ mô và đặc biệt là phân tích các số liệu quản lý thuế của ngành Thuế và Hải quan, xem doanh nghiệp nào, lĩnh vực nào đang khó khăn, từ đó tính toán theo nguyên tắc là gói hỗ trợ phải đúng liều lượng, đảm bảo đúng đối tượng, đúng chỗ cần tháo gỡ. “Gói giải pháp lần này này đã được doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và nước ngoài đánh giá là tích cực, dựa trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, cũng như tính toán một cách khoa học, phù hợp với thực tiễn hiện nay”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhận định. |
Xuân Tuyến