In bài viết

Bộ trưởng Vương Đình Huệ tiếp và làm việc với Đại sứ Nhật Bản

Chiều ngày 14/2/2012, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã có buổi tiếp và làm việc với Ông Yasuaki Tanizaki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nhằm trao đổi về các Hiệp định vay trong năm tài khóa 2011 và dự kiến các dự án vay mới trong năm tài khóa 2012.

14/02/2012 16:00
Chiều ngày 14/2/2012, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã có buổi tiếp và làm việc với Ông Yasuaki Tanizaki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nhằm trao đổi về các Hiệp định vay trong năm tài khóa 2011 và dự kiến các dự án vay mới trong năm tài khóa 2012.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ bày tỏ sự vui mừng khi được đón tiếp Ngài Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đến thăm Bộ Tài chính, Bộ trưởng cũng đã cám ơn Ngài Đại sứ đã hỗ trợ để các chương trình làm việc của Bộ Tài chính Việt Nam tại Nhật Bản thành công và mang lại kết quả tốt đẹp nhân chuyến tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Nhật Bản tháng 10/2011.
Bộ trưởng đã đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản cho Việt Nam trong sự phát triển kinh tế- xã hội; hỗ trợ về nguồn vốn ODA; về tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và hiện đại hóa ngành Hải quan…Đây là những nội dung đã được Chính phủ Nhật Bản quan tâm hỗ trợ Bộ Tài chính Việt Nam trong thời gian qua…
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng mong muốn Ngài Đại sứ là “cầu nối” tạo thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư làm ăn ở Việt Nam; tăng cường nguồn vốn ODA, đặc biệt là hình thức hỗ trợ trực tiếp vào ngân sách…Bộ trưởng cũng khẳng định, Bộ Tài chính sẽ cố gắng để sử dụng các chương trình hỗ trợ của Nhật Bản một cách có hiệu quả…
Đồng thời, Bộ trưởng cũng khẳng định: Bộ Tài chính Việt Nam sẽ làm hết sức mình để tăng cường phát triển hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, các doanh nhân trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản cam kết đầu tư, làm ăn lâu dài tại Việt Nam..
Tại buổi tiếp, ông Yasuaki Tanizaki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã bày tỏ sự cảm ơn Bộ Tài chính đã tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ để thúc đẩy phát triển mối quan hệ tốt đẹp, hiệu quả giữa Việt Nam và Nhật bản; đồng thời trên cương vị công tác của mình Ngài Đại sứ sẽ tiếp tục làm hết sức mình hợp tác hiệu quả với Chính phủ cũng như Bộ tài chính Việt Nam trong thời gian tiếp theo.
Một số nét trong quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Về mậu dịch, tổng kim ngạch 2 chiều năm 2011 đạt 21,18 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2010. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản là 10,78 tỷ USD, tăng 39,5% so với 2010 và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản là hơn 10,4 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2010.
Nhật Bản luôn là đối tác chiến lược hàng đầu của Việt Nam, tính đến cuối tháng 11/2011, Nhật Bản đã đầu tư vào 1.623 dự án trực tiếp vào Việt Nam, trong đó có 1.007 dự án tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo, với tổng số vốn đăng ký là 22,4 tỷ USD, đứng thứ 4 trong 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Mặc dù đang đối mặt với những thiệt hại nặng nề sau thảm họa động đất vừa qua, Nhật Bản khẳng định sẽ tiếp tục là nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam. Cụ thể, tại Hội nghị Nhóm tư vấn diễn ra cuối năm 2011, Chính phủ Nhật Bản đã cam kết sẽ tài trợ 1,9 tỷ Đôla vốn ODA cho Việt Nam trong năm tài khóa 2012.
Trong thời gian qua, Nhật Bản là nhà tài trợ ODA không hoàn lại lớn nhất cho Bộ Tài chính Việt Nam. Các hỗ trợ của Nhật Bản chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực: Cải cách Quản lý tài chính công, cải cách và hiện đại hóa ngành thuế, hải quan ...
Cho đến nay, Nhật Bản là nhà tài trợ vốn ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam, tập trung vào một số lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng như năng lượng, giao thông vận tải, phát triển đô thị, với tổng số vốn cam kết tính đến tháng 12/2011 khoảng 1583 tỷ Yên. Nguồn vốn vay ODA Nhật Bản là các khoản vay có tính ưu đãi tương đối cao so với các nguồn vốn vay ODA khác về lãi suất vay và thời hạn trả nợ. Các khoản vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam hiện đang phát huy vai trò tích cực và quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian qua.
Đến nay, một loạt các công trình do Nhật Bản hỗ trợ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như các nhà máy điện Phả Lại, Phú Mỹ, Hàm Thuận - Đa Mi...; các quốc lộ số 5, số 10, số 18, cầu Bãi Cháy, Cầu Cần Thơ, Cầu Thanh Trì, cảng Hải Phòng, Cầu Bính, Nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất...
HMT