Bộ tem gồm 4 mẫu tem và 1 blốc với giá mặt 4.000đ, 4.000đ, 4.000đ, 15.000đ, và 15.000đ do họa sỹ Nguyễn Du (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế, có khuôn khổ tem 43 x 32 (mm) và 32 x 43 (mm), khuôn khổ blốc 80 x 105 (mm). Bộ tem được cung ứng trên mạng lưới bưu chính từ ngày 24/12/2022 đến ngày 30/6/2024.
Bộ tem “Kiến trúc nhà thờ” giới thiệu một số nhà thờ tiêu biểu của Việt Nam: Nhà thờ Chính Toà Phát Diệm (Ninh Bình), Nhà thờ Chính Toà Đà Nẵng, Nhà thờ Mặc Bắc (Trà Vinh), Nhà thờ Chính Toà Kon Tum, Nhà thờ Chính Toà Hà Nội.
Công giáo du nhập vào Việt Nam từ những thập niên đầu của thế kỷ XVI với nhiều hoạt động gắn với hội nhập văn hoá, nhất là văn hóa vùng miền và văn hóa dân tộc. Trong văn hóa vật thể, sự thích nghi, hội nhập và tiếp biến với văn hóa bản địa của văn hóa công giáo được thể hiện rõ trong lĩnh vực kiến trúc, tập trung chủ yếu là nhà thờ, từ tổ chức quy hoạch tổng thể, hình thức kiến trúc, giải pháp kết cấu đến trang trí mỹ thuật và sử dụng vật liệu. Đến nay, số lượng nhà thờ Việt Nam khá nhiều và đồ sộ trải dài trên khắp các vùng miền. Nhà thờ công giáo Việt Nam có thể quy về hai phong cách kiến trúc: phong cách châu Âu và kiến trúc theo phong cách dân tộc Việt Nam (nhà thờ Nam).
Nhà thờ kiến trúc châu Âu chia ra nhiều phong cách: Gothic, Roman, Tây Ban Nha… nhưng phổ biến tại Việt Nam vẫn là phong cách kiến trúc Gothic. Những nhà thờ ở các thành phố có điều kiện về kinh tế thường có qui mô lớn, thể hiện phong cách Gothic tương đối rõ nét. Trong khi đó, nhà thờ Nam với lối kiến trúc theo phong cách dân tộc Việt xuất hiện sớm hơn. Hầu hết các nhà thờ công giáo ở Việt Nam đều được xây dựng theo phong cách kiến trúc dân tộc Việt Nam. Phong cách kiến trúc này vẫn được tiếp tục ở giai đoạn sau đó.
Thu Hương