In bài viết

Bộ TT&TT sẽ thanh tra các nền tảng xuyên biên giới về quảng cáo

(Chinhphu.vn) – Nếu như trước đây, quảng cáo chỉ xuất hiện trên một phương tiện là cơ quan báo chí (báo, tạp chí, các đài) thì hiện nay quảng cáo có thêm hình thức mới là ‘ad network’ (báo, tạp chí, trang tin điện tử). Điều đáng nói là các cơ quan chủ quản gần như buông toàn bộ các nội dung quảng cáo, thậm chí bỏ phần chịu trách nhiệm.

04/11/2022 17:48

Trên Facebook, Youtube: Rất nhiều quảng cáo sai quy định

Bộ TT&TT sẽ thanh tra các nền tảng xuyên biên giới về quảng cáo - Ảnh 1.

Đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT nội dung về quảng cáo sai sự thật trên các không gian mạng - Ảnh: VGP/HM

Tại phiên chất vấn ngày 4/11, trả lời đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) về vấn đề quảng cáo sai sự thật trên các không gian mạng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, quảng cáo trước đây chỉ có trên một phương tiện là các cơ quan báo chí (tức là báo, tạp chí, các đài) và theo quy định luật pháp Việt Nam, những cơ quan này phải rà soát và bảo đảm những quảng cáo đấy thực hiện đúng pháp luật.

Tuy nhiên, khoảng 2 năm gần đây, có một hình thức mới gọi là quảng cáo ‘ad network’, tức là các báo điện tử, các tạp chí điện tử, trang tin điện tử có bán một khoảng trống ở trên mặt trang nhất của mình hoặc trong các trang thành phần, để công ty quảng cáo nước ngoài có thể đưa vào các nội dung quảng cáo.

Điều đáng nói, "các cơ quan báo chí của chúng ta gần như buông toàn bộ, muốn đưa vào đấy nội dung nào cũng được và bỏ phần chịu trách nhiệm", Bộ trưởng chỉ rõ.

Trước thực trạng này, Bộ TT&TT đã sửa các văn bản, các quy định liên quan và đã tổ chức thanh tra, kiểm tra. Về cơ bản, các cơ quan báo chí, tạp chí, báo điện tử, trang tin điện tử đã ý thức việc này và vấn đề những quảng cáo sai trên các phương tiện này cũng đã giảm tương đối tốt.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay, vấn đề quảng cáo sai chủ yếu xảy ra trên các nền tảng xuyên biên giới như quảng cáo trên Facebook, quảng cáo trên Youtube. Trên những nền tảng này có rất nhiều quảng cáo sai quy định pháp luật.

Để khắc phục vấn nạn này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ chính thức tổ chức thanh tra các nền tảng xuyên biên giới về vấn đề quảng cáo. Hiện nay, chúng ta đã có quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, với những thông tin quảng cáo sai sự thật, nhất là các thực phẩm chức năng - thuộc quản lý của các bộ chuyên ngành, cần phải xác minh quảng cáo đã đúng pháp luật chưa, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn các bộ, ngành, các địa phương trong thẩm quyền của mình cùng vào cuộc, cùng rà soát để thẩm tra, đánh giá. Bộ TT&TT có thể rà quét, phát hiện nhưng về mặt pháp luật để khẳng định cái này là sai thì phải các bộ chuyên ngành.

Bộ TT&TT sẽ thanh tra các nền tảng xuyên biên giới về quảng cáo - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, về mặt luật pháp, không có dữ liệu của bộ, ngành, địa phương mà có dữ liệu của Chính phủ và Chính phủ sẽ quyết định về việc chia sẻ, xây dựng - Ảnh: VGP/HM

Có tình trạng "cát cứ" dữ liệu của cơ quan Nhà nước?

Liên quan đến nội dung có hay không tình trạng "cát cứ" dữ liệu của các cơ quan Nhà nước do đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) đặt câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, về mặt luật pháp, không có dữ liệu của bộ, ngành, địa phương mà có dữ liệu của Chính phủ và Chính phủ sẽ quyết định về việc chia sẻ, xây dựng.

Tuy nhiên, thực tế cũng nảy sinh tâm lý trong vấn đề này. Bộ trưởng chỉ rõ: Một là, khi xây dựng xong cơ sở dữ liệu nhưng chưa yên tâm về cơ sở dữ liệu có chính xác không, cho nên sẽ có sự đắn đo, cân nhắc nên đưa dữ liệu đó cho mọi người dùng chưa.

Hai là, cơ sở dữ liệu lớn nhưng để rất nhiều cơ quan, rất nhiều hệ thống công nghệ thông tin nối vào, nếu những hệ thống đấy không bảo đảm an toàn thông tin thì có lây sang các hệ thống chủ không. Nếu lây sang hệ thống chủ sẽ mất dữ liệu thì hệ thống phải chịu trách nhiệm.

Ba là, có tâm lý dữ liệu là một loại tài nguyên, tài sản, nếu nhiều người biết thì quyền lực của mình sẽ giảm.

Người đứng đầu ngành TT&TT chia sẻ, đó là những tâm lý có thật. Tuy nhiên, hiện nay với 8 cơ sở dữ liệu đã kết nối, đến giờ phút này có thể nói là không có cát cứ nào.

"Tám cơ sở dữ liệu đã kết nối, đã chia sẻ và có thể nói có hiệu quả. Đây cũng là 8 trường hợp đầu tiên để chúng ta có những kinh nghiệm ban đầu nhằm mở rộng. Năm 2023 sẽ là năm dữ liệu số quốc gia Việt Nam. Chúng tôi sẽ chính thức yêu cầu các bộ, ngành và địa phương công khai các dữ liệu của bộ, ngành, địa phương", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, khẳng định đây sẽ là một trong những giải pháp rất quan trọng trong năm 2023.

Hiền Minh