Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các tập thể, cá nhân. Ảnh: VGP/ Lê Sơn. |
Báo cáo tại buổi Tọa đàm, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý cho biết tổng số điểm Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp năm 2019 là 90,12/100 điểm - xếp thứ 3/17 bộ, đây là năm thứ 2 liên tiếp Bộ Tư pháp duy trì vị trí trong nhóm 3 bộ dẫn đầu về Chỉ số CCHC cấp bộ.
Về kết quả chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức năm 2019 đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực tư pháp cấp Sở, kết quả chung chỉ số hài lòng chung đối với 2 dịch vụ công lý lịch tư pháp và trợ giúp pháp lý là 83,99% (chỉ số hài lòng chung cả nước là 84,45%), xếp thứ 5/6 Sở thuộc diện đo lường (cao nhất là lĩnh vực giao thông vận tải 88,45%, thấp nhất là lĩnh vực đất đai, môi trường 79,06%. Năm 2018 chỉ số hài lòng đối với 2 dịch vụ công lý lịch tư pháp và trợ giúp pháp lý là 83,08%, xếp thứ 3/6 Sở thuộc diện đo lường.
Bên cạnh các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trong báo cáo tại Tọa đàm, đại biểu các Bộ, ngành, Sở Tư pháp Hà Nội, một số đơn vị đã trình bày tham luận chuyên đề, ý kiến thảo luận tập trung nhằm thực hiện hiệu quả công tác CCHC cũng như nâng cao chỉ số hài lòng đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp.
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan đánh giá cao kết quả thực hiện CCHC mà Bộ Tư pháp đạt được trong những năm gần đây, đồng thời đưa ra một số lưu ý để thực hiện tốt công tác CCHC, trong đó nhấn mạnh lĩnh vực chuyển đổi số, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Bởi theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ, tối thiểu 80% hồ sơ công việc (đối với cấp Bộ) xử lý trên môi trường điện tử trừ hồ sơ mật và phải thực hiện việc gửi, nhận văn bản 4 cấp chính quyền trước ngày 30/6/2020 đồng thời tích hợp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của từng Bộ lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Theo ông Ngô Hải Phan, người đứng đầu các đơn vị cần rà soát lại xem việc thực hiện các chỉ tiêu trên bắt đầu từ cấp chuyên viên hành chính. Đồng thời việc xác định chỉ tiêu không còn là định tính mà phải là các con số định lượng cụ thể, rõ ràng phải đạt được để nâng cao công tác CCHC.
Việc thực hiện trên môi trường điện tử chính là tích hợp, liên thông các hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu để người dân, tổ chức không phải đến nhiều cơ quan để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của công tác CCHC.
Tán thành với các kiến nghị, đề xuất, giải pháp đưa ra tại Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đã đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện các nhiệm vụ về CCHC, những nỗ lực đó đã góp phần vào thành công chung của Bộ Tư pháp, thể hiện qua kết quả Chỉ số CCHC năm 2019 vừa qua. Để công tác CCHC ngày càng thực chất, hiệu quả, Bộ Tư pháp mong tiếp tục nhận được sự phối hợp của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành có liên quan.
Các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cần quán triệt, thực hiện nghiêm kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị công bố Chỉ số CCHC năm 2019; Tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch CCHC năm 2020 của Bộ; Tham gia, phối hợp có trách nhiệm với Văn phòng Bộ để xây dựng Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030, đặc biệt là nghiên cứu, đề xuất nhiệm vụ lĩnh vực cải cách thể chế cho giai đoạn 10 năm CCHC tới; Tập trung hoàn thành, đảm bảo tiến độ và chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật được giao chủ trì soạn thảo; Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác rà soát, đơn giản hóa TTHC, trong đó tập trung lựa chọn những TTHC có đối tượng chịu sự tác động lớn, những vấn đề “nóng”, “bức xúc”, có nhiều phản ánh, bất cập trong quá trình thực hiện...
Tại Tọa đàm, thay mặt lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đã trao Bằng khen Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chỉ số xếp hạng CCHC của Bộ Tư pháp.
Lê Sơn