Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nêu lên 5 khó khăn, bất cập trong việc xử lý vi phạm TTATGT cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Thứ nhất, việc giao biên bản vi phạm hành chính cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính đã được quy định tại Nghị định 118/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, trường hợp lập biên bản vi phạm hành chính với chính chủ phương tiện nhưng chủ phương tiện thường không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm mà chỉ có lái xe kí biên bản với tư cách người làm chứng nên không thể gửi ngay cho chủ phương tiện được.
Nếu gửi biên bản vi phạm hành chính cho chủ phương tiện thì gây khó khăn cho lái xe khi tiếp tục lưu hành vì khi lực lượng chức năng tiếp theo kiểm tra, lái xe không chứng minh được giấy tờ xe đã bị tạm giữ. Việc này gây khó khăn cho lái xe và có thể dẫn đến khiếu nại.
Thứ hai, quy định về tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề… được Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định việc tạm giữ phương tiện trong trường hợp cần ngăn chặn ngay hành vi hành chính chỉ được áp dụng đối với một số hành vi cụ thể. Trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính lại không giao Chính phủ quy định cụ thể những hành vi vi phạm bị tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính mà trao thẩm quyền và trách nhiệm xem xét, quyết định cho người có thẩm quyền tạm giữ theo quy định.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, quy định như vậy dẫn đến cách hiểu và áp dụng "cứng nhắc" trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy tờ vi phạm hành chính chỉ được áp dụng trong một số trường hợp như để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt; để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội và để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt hành chính.
Thứ ba, việc xử lý phương tiện giao thông bị tạm giữ quy định hết thời hạn 1 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ 2 nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Quy định này, theo Bộ Tư pháp, là bảo đảm quyền của chủ sở hữu nhưng cũng gây quá tải và khó khăn trong quá trình trông giữ phương tiện vi phạm hiện nay.
Thứ tư, về việc tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong trường hợp thời hạn sử dụng còn lại của giấy phép ít hơn thời hạn tước. Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định người có thẩm quyền vẫn ra quyết định xử phạt có áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời hạn bị tước quyền sử dụng thì cá nhân, tổ chức không được làm thủ tục cấp đổi, cấp mới giấy phép đó.
Trong khi đó, quy định này được Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn áp dụng là "thời hạn tước là thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó".
Điều này dẫn đến còn nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau giữa 2 quy định như trên, cụ thể là trong trường hợp quyết định tước giấy phép dài hơn so với thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Thứ năm, về quá trình tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định thủ tục xử phạt hành vi vi được phát hiện thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý thì cơ quan chức năng sẽ gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan đến trụ sở giải quyết. Chủ phương tiện phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện vi phạm.
Tuy nhiên, việc xác định chủ phương tiện gặp nhiều khó khăn do việc mua bán lòng vòng qua nhiều người, ở nhiều địa phương khác nhau mà chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ, chưa kể nhiều phương tiện đeo biển giả, biển không rõ chữ, rõ xe. Vì thế, việc lập biên bản xử phạt rất khó thực hiện, một số người vi phạm ở địa phương khác tới trong khi các địa phương chưa có cơ chế phối hợp với nhau.
Để xử lý hiệu quả hơn nữa các hành vi vi phạm TTATGT, đồng thời bảo đảm áp dụng thống nhất các quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về các tội xâm phạm an toàn giao thông, Bộ Tư pháp đề nghị TAND Tối cao tổng kết công tác áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử ban hành các Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự 2015 đối với các tội xâm phạm an toàn giao thông.
Trong đó, tập trung hướng dẫn các nội dung như: "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả… nếu không được ngăn chặn kịp thời"; hướng dẫn một số tình tiết quy định tại cấu thành cơ bản một số điều như "rõ ràng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật", "không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật", "thiết bị an toàn"; hướng dẫn áp dụng quy định của pháp luật để xử lý đối với hành vi "xóa dấu vết" sau khi gây tai nạn giao thông.
Về pháp luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp cũng kiến nghị cần minh bạch hóa trong trình tự, thủ tục, quá trình xử phạt vi phạm hành chính nói chung và lĩnh vực giao thông nói riêng, bảo đảm tính răn đe trong xử phạt, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan đến xử lý vi phạm hành chính, khắc phục bất cập được nêu trên tạo khung pháp luật vững chắc cho hoạt động này trên thực tế; chú trọng công tác theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức liên quan.
Lê Sơn