Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ ngày 20/6, TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa ký quyết định số 996/QĐ-BTP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật được thành lập vào năm 1981. Trải qua hơn 40 năm xây dựng, phát triển đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào sự phát triển chung của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp và đất nước. Các lĩnh vực quản lý nhà nước giao cho đơn vị tham mưu đã được điều chỉnh bằng Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở và nhiều văn bản pháp luật thi hành khác.
Hiện nay, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã nhấn mạnh mục tiêu"Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội". Một trong những nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững là "tiếp tục đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật"; công tác tổ chức thi hành pháp luật được tăng cường, các lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng.
Vì vậy, để chủ động, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, theo Nghị định số 98/2022/NĐ-CP và Quyết định số 96/QĐ-BTP, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã được chuyển đổi và vận hành theo mô hình Cục với tên gọi là Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật.
"Sự ra đời của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Đảng, Nhà nước ta yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách; đổi mới toàn diện công tác PBGDPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm, ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả công tác PBGDPL, thực hiện tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới", TS. Lê Vệ Quốc nêu rõ.
Theo đó, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật được giao 20 nhóm nhiệm vụ và quyền hạn. Đặc biệt, có một số nhiệm vụ và quyền hạn mới quan trọng được giao nhằm đáp ứng yêu cầu về truyền thông chính sách "từ sớm, từ xa" và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Đó là, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp; chủ trì tổ chức các hoạt động truyền thông chính sách trong xây dựng, thực hiện và hoàn thiện chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục; tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục; quản lý, vận hành, nâng cấp Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia, hệ thống thông tin về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Về cơ cấu tổ chức, Lãnh đạo Cục gồm có Cục trưởng và các Phó Cục trưởng. Hiện nay, Lãnh đạo Cục gồm có ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng; bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng; ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng.
Các đơn vị thuộc Cục gồm Văn phòng, Phòng Truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật, Phòng tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở.
LS