In bài viết

Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo về kinh nghiệm thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật

(Chinhphu.vn) - Ngày 25/11, tại tỉnh Long An, Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) đã tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật tại một số địa phương khu vực miền Nam. TS. Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật chủ trì hội thảo.

25/11/2022 17:17
Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo về kinh nghiệm thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội thảo tại Long An - Ảnh: VGP/LS

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật mong muốn các đại biểu tham dự chia sẻ thẳng thắn, cởi mở về kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đến quá trình thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để Bộ Tư pháp chắt lọc được các mô hình, cách làm hay; từ đó nhân rộng trên cả nước. 

Dẫn đề tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật, bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật đề nghị các đại biểu cần quan tâm một số nhóm vấn đề lớn như: Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện ở các cấp địa phương; thống nhất triển khai các nội dung trong các văn bản mới, tập trung vào một số chỉ tiêu mới bổ sung; xác định thời điểm sử dụng, lấy thông tin, số liệu phục vụ chấm điểm, đánh giá tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tiêu chí tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới; nguồn lực, kinh phí để triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 09/2021/TT-BTP.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung chia sẻ các vấn đề liên quan đến tiêu chí tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025 như: Vai trò của cấp lãnh đạo địa phương; nguồn lực tham gia thực hiện; sự khó khăn trong thực hiện một số chỉ tiêu pháp luật về nông thôn mới nâng cao; việc triển khai thực hiện các hình thức, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật…

Kết luận hội thảo, TS. Lê Vệ Quốc nhấn mạnh: Quy trình thủ tục công nhận một mô hình điển hình sẽ được lồng ghép trong quá trình xây dựng bộ hồ sơ đề nghị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Mô hình được công nhận hay không do hội đồng đánh giá đó quyết định trên cơ sở tham mưu Sở Tư pháp và địa phương. 

TS. Lê Vệ Quốc mong muốn các đại biểu tham dự hội thảo sẽ triển khai chỉ đạo công tác áp dụng pháp luật, tiếp cận thông tin tại cơ sở một cách bài bản, đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật. 

Trong năm 2022, Bộ Tư pháp đã tổ chức 11 Hội nghị tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức được giao tham mưu thực hiện nhiệm vụ này ở các cấp tại các địa phương: Hà Giang, Đồng Nai, Gia Lai, Long An, Lâm Đồng, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Tiền Giang, Nam Định, Sóc Trăng và Khánh Hòa; 06 Hội nghị tập huấn hướng dẫn áp dụng pháp luật tiếp cận thông tin ở cấp cơ sở tại các tỉnh Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Bắc Kạn, Hà Tĩnh và Khánh Hòa.

Tổ chức 05 đoàn kiểm tra, khảo sát thực tế kết hợp giải đáp khó khăn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Bắc Kạn, Long An và tổ chức một số tọa đàm, hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện tại cơ sở; xây dựng, phát hành sổ tay hướng dẫn thực hiện; xây dựng, thực hiện các chương trình, tọa đàm truyền thông, triển khai các tin, bài về chuẩn tiếp cận pháp luật trên các báo, đài ở Trung ương...

Lê Sơn