Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, bà Thủy đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại vấn đề này.
Về vấn đề này, Bộ Tư pháp trả lời như sau:
Luật Hộ tịch có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Để bảo đảm các văn bản hướng dẫn có cùng hiệu lực với Luật Hộ tịch, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ thông qua Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 và Bộ Tư pháp đã ký ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015, trong đó quy định về tất cả biểu mẫu giấy tờ, sổ hộ tịch để triển khai đồng bộ từ ngày 1/1/2016.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, một số cơ quan đã đăng ký hộ tịch và người dân phản ánh là cách thức thiết kế, sắp xếp một số mẫu (như Trích lục, Tờ khai) chưa hợp lý, chưa tiện lợi cho người sử dụng.
Ví dụ, trong Tờ khai thì ghi thông tin người vợ trước, thông tin người chồng sau nhưng trong phần mềm đăng ký hộ tịch điện tử ghi lại thông tin người chồng trước, thông tin người vợ sau, nên dễ dẫn đến nhầm lẫn.
Do đó, đơn vị quản lý (Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực) đã tham mưu Lãnh đạo Bộ chỉnh sửa lại để bảo đảm đồng bộ, thống nhất, dễ sử dụng.
Xét thấy, đây chỉ là việc chỉnh lý một số lỗi kỹ thuật, không ảnh hưởng đến nội dung Thông tư, không làm phát sinh thủ tục hành chính theo quy định tại Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Điều 8 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP. Đặc biệt, để kịp thời phục vụ yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân, Lãnh đạo Bộ đã cho phép Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật, đồng thời thông báo cho các địa phương biết để thực hiện.
Trong thời gian tới, trên cơ sở tổng hợp những vướng mắc của các địa phương trong quá trình đăng ký, quản lý hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch, Bộ Tư pháp sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/2015/TT-BTP, trong đó có cả vấn đề sử dụng biểu mẫu, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trên cả nước.
Chinhphu.vn