In bài viết

Bộ Tư pháp và Tòa án Nhân dân tối cao ký Chương trình phối hợp về trợ giúp pháp lý tại Tòa án

(Chinhphu.vn) - Sáng 18/5 đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) về trợ giúp pháp lý tại Tòa án.

18/05/2022 16:03
Ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và TANDTC về trợ giúp pháp lý tại Tòa án   - Ảnh 1.

Thứ trưởng Mai Lương Khôi và Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến, đại diện hai cơ quan ký Chương trình phối hợp. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tham dự buổi lễ có Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cùng các Phó Chánh án TANDTC, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; các Thẩm phán TANDTC.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục khẳng định những thành công, kết quả mà hai ngành đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời, đánh dấu bước phát triển mới, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ phối hợp công tác giữa TANDTC và Bộ Tư pháp.

Trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý (TGPL), bộ, ngành Tư pháp ngày càng nhận được sự quan tâm, phối hợp thực hiện chặt chẽ, đạt những kết quả tích cực, nổi bật như: TAND các cấp đã phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; số lượng vụ việc TGPL do TAND các cấp chuyển đến TGPL tăng dần qua từng năm. Hầu hết các cơ quan Tòa án đều tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện TGPL thực hiện các thủ tục tố tụng như đăng ký bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người được TGPL, nghiên cứu hồ sơ,…

Trong hoạt động của mình, Tòa án đã tạo điều kiện cho người dân sử dụng các công cụ, dịch vụ pháp lý, trong đó có dịch vụ TGPL để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, làm cho các vụ án được xét xử khách quan, đúng người, đúng tội, bảo đảm công bằng trong tiếp cận pháp luật, tiếp cận công lý, tạo niềm tin của người dân vào công lý.

Việc ký kết Chương trình phối hợp giữa hai cơ quan về người thực hiện TGPL tại Tòa án có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ tiếp tục củng cố, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa hai ngành trong thực hiện các nhiệm vụ được giao mà còn có ý nghĩa giúp người dân thêm một kênh tiếp cận sớm với TGPL để hiện thực hóa quyền TGPL của mình đã được pháp luật quy định; góp phần đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận pháp luật cho người được TGPL.

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng cho biết, ngay sau Lễ ký kết, Bộ Tư pháp sẽ chỉ đạo Cục Trợ giúp pháp lý và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, các đơn vị có liên quan của TANDTC tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung đã được ký kết.

Ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và TANDTC về trợ giúp pháp lý tại Tòa án   - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại Lễ ký kết. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phát biểu tại buổi lễ, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Chương trình phối hợp có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm cho việc tuân thủ pháp luật được đúng đắn. Trong tố tụng và trong những điều luật TGPL, sự tham gia của các luật sư luôn là điều kiện bắt buộc, bảo đảm quyền TGPL của người dân, nhất là các vụ án hình sự, người chưa thành niên và người khuyết tật.

Theo đồng chí Nguyễn Hòa Bình, chúng ta đang xây dựng một nền tư pháp vì dân phục vụ, cho nên TGPL được bảo đảm sẽ là hướng để bảo vệ, phục vụ nhân dân.

Thông qua chương trình này và các hoạt động TGPL sẽ góp phần nâng cao dân trí về pháp luật cho nhân dân. So với mặt bằng chung của thế giới, trình độ dân trí về pháp luật của chúng ta còn hạn chế, cho nên mỗi lần TGPL được xem như là chương trình giáo dục pháp luật cho mỗi người dân. Hoạt động TGPL được bảo đảm cũng góp phần nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án. Người dân hiểu biết pháp luật để đưa ra các quyết định đúng đắn hơn; các Thẩm phán thông qua hoạt động này để lắng nghe các ý kiến phản biện của người dân.

TANDTC sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp để đưa các nội dung ký kết đi vào cuộc sống, phổ biến những nội dung này đến toàn ngành để triển khai thực hiện tốt nhất chương trình. Tòa án sẽ tạo điều kiện tối đa, để các trung tâm TGPL hoạt động, đồng thời các trung tâm cũng cần lựa chọn những trợ giúp viên giỏi, để cùng với thời gian người dân cảm nhận được việc trợ giúp này có ý nghĩa, cần thiết và tham gia.

Đồng thời khẳng định, việc ký kết hôm nay là bước đi đầu tiên trong quá trình hợp tác. Hy vọng sau 3 năm thực hiện sẽ có sơ kết, 5 năm thực hiện sẽ có tổng kết để chúng ta lại tiếp tục thực hiện giai đoạn tiếp theo. Cùng với đó, phải tích cực tuyên truyền, giới thiệu về công tác này để người dân hiểu được và sử dụng các dịch vụ TGPL.

Theo nội dung ký kết, tại trụ sở TAND, người tiến hành tố tụng, công chức TAND làm việc tại các bộ phận tiếp nhận đơn có trách nhiệm giới thiệu người thuộc diện được TGPL tới gặp người trực, thông tin, thông báo về TGPL được chuyển đến cho người trực. Người trực thực hiện TGPL là trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm TGPL. Chuyên viên của Trung tâm TGPL nhà nước thuộc Sở Tư pháp là người hỗ trợ hoạt động này. Căn cứ điều kiện thực tế, Trung tâm TGPL nhà nước sẽ phân công người thực hiện TGPL trực theo thời gian nhất định (hàng ngày hoặc theo lịch linh hoạt).

Lê Sơn