Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, công điện và nhiều chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt để thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực vào cuộc để triển khai tháo gỡ vướng mắc cho nhiều dự án bất động sản tại các địa phương.
Kết quả là thị trường bất động sản cuối năm 2023 đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn, nguồn cung đã từng bước cải thiện, nguồn vốn dần được khơi thông.
Cụ thể, trong quý IV/2023, về nguồn cung nhà ở thương mại, đã hoàn thành 29 dự án với 13.646 căn (tăng 38,1% so với quý III/2023); cấp phép mới 20 dự án với quy mô 11.539 căn (tăng 33% so với quý III/2023); đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai 47 dự án với 14.566 căn (ngang bằng với quý III/2023); đang triển khai 854 dự án với quy mô 402.570 căn (ngang bằng so với quý III/2023).
Nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị trong quý IV/2023 (có 16 dự án, 9.302 căn): Đã hoàn thành 7 dự án với quy mô 4.019 căn, đã được cấp phép, khởi công xây dựng 9 dự án với quy mô 5.283 căn. Trong năm 2023 (44 dự án, 36.626 căn): Đã hoàn thành 28 dự án với quy mô 13.864 căn, đã được cấp phép, khởi công xây dựng 16 dự án với quy mô 22.398 căn. Trong giai đoạn 2021-2023 (495 dự án, 402.898 căn): Đã hoàn thành 70 dự án với quy mô 35.566 căn; đã khởi công xây dựng 127 dự án với quy mô 107.896 căn; chấp thuận chủ trương đầu tư mới 298 dự án với quy mô 259.436 căn…
Về dư nợ tín dụng bất động sản, tính đến ngày 31/11/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,02 triệu tỷ đồng. So với giai đoạn trước bắt đầu tăng lên, nguồn tài chính đổ vào thị trường bắt đầu sôi động hơn.
Về tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực bất động sản, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong cả năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng, trong đó trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực bất động sản là 73.200 tỷ đồng (chiếm 23,5% tổng giá trị; tăng 40,8% so với năm 2022).
Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; tăng 4,8% so với năm trước.
Tuy nhiên, hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn đang có nhiều khó khăn, thách thức.
Cụ thể, khó khăn, vướng mắc về pháp lý như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc; quy hoạch sử dụng đất đã được công bố, nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện; có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt, nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên.
Cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản, như trong công tác giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân; công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án.
Khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án. Khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, dù đã có những dấu hiệu tích cực hơn vào cuối năm, nhưng nhìn tổng thể năm 2023 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với thị trường bất động sản.
Để thị trường bất động sản tốt hơn, Thứ trưởng mong muốn các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động thực hiện một số giải pháp, như: Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…); huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Các doanh nghiệp cần tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản.
Với tinh thần đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm giúp cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững trong năm 2024.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp tập trung phân tích, báo cáo, nhận định đa chiều, đánh giá khách quan về toàn cảnh bức tranh tình hình thị trường bất động sản trong nước; tác động của chính sách pháp luật hiện hành đến thị trường. Bên cạnh đó, các địa biểu cũng nêu thực trạng, các thách thức, cũng như cơ hội để góp phần tìm ra giải pháp, tạo động lực phát triển bền vững thị trường bất động sản trong năm 2024 và thời gian tới.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng tập trung phân tích những điểm mới trong Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tác động tích cực đến thị trường: Cán cân của bất động sản trong sự phát triển kinh của đất nước; khơi thông nguồn vốn cho bất động sản; kinh doanh bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài theo pháp luật Việt Nam hiện nay; kiến nghị đề xuất tháo gỡ pháp lý cho các dự án địa bàn TPHCM và các tỉnh phía nam.
Các đại biểu đều tin tưởng, với chính sách đã và đang triển khai của Chính phủ, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong năm 2024, thị trường bất động sản sẽ phục hồi, phát triển bền vững.
Hồng Đức