Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Công văn số 8568/VPCP-TTĐT ngày 10/10/2016, ngày 12/10/2016, Bộ Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện các Bộ: Y tế, Công Thương, NN&PTNT và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm đối với việc sản xuất, kinh doanh nước mắm tại 5 tỉnh/thành phố: Hà Nội, TPHCM, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Đoàn kiểm tra lấy 247 mẫu ngẫu nhiên với 210 nhãn hiệu sản phẩm nước mắm khác nhau của 82 cơ sở sản xuất (cả theo phương pháp truyền thống và công nghiệp), trên thị trường và một số siêu thị để kiểm nghiệm.
Kết quả kiểm tra cho thấy, không phát hiện mẫu nước mắm nào chỉ được sản xuất từ nước và hóa chất. Các cơ sở được kiểm tra đều sản xuất nước mắm từ nguyên liệu là cá và muối hoặc nước mắm cốt (được sản xuất từ cá và muối) và phụ gia thực phẩm với các tỉ lệ khác nhau.
Với kết quả kiểm nghiệm Arsen: 247/247 (100%) các mẫu nước mắm được kiểm nghiệm không phát hiện Arsen vô cơ vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép theo QCVN 8-2:2011/BYT của Bộ Y tế.
Kiểm nghiệm các kim loại nặng khác như: Chì, thủy ngân và cadmium đều đạt theo QCVN 8-2:2011/BYT của Bộ Y tế.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, không có căn cứ để khẳng định một sản phẩm sử dụng nhiều phụ gia thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Việc sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất nước mắm là được phép nếu phụ gia đó nằm trong danh mục cho phép, đúng đối tượng sử dụng, không được vượt ngưỡng theo quy định, bảo đảm độ tinh khiết và không quy định số lượng phụ gia thực phẩm tối đa được phép dùng trong một sản phẩm thực phẩm.
Quy định này của Bộ Y tế hoàn toàn phù hợp với quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX), các quốc gia khác trên thế giới và trong khu vực ASEAN.
Như vậy, các thông tin nước mắm là nước pha hóa chất, nước mắm có nhiễm thạch tín (thạch tín, còn được gọi là Arsen vô cơ) ảnh hưởng đến sức khỏe con người là không chính xác.
Thuý Hà