In bài viết

Bộ Y tế ‘điểm danh’ địa phương có tỉ lệ thấp tiêm mũi 3, mũi 4 vaccine phòng COVID-19

(Chinhphu.vn) - Theo số liệu từ Bộ Y tế, tính đến ngày 1/7, nhóm từ 18 tuổi trở lên ở nước ta đã tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 đạt 45.094.725 mũi tiêm, đạt tỉ lệ 67,2%, trong khí đó, mũi 4 cả nước mới tiêm được 4.281.382 mũi tiêm, đạt tỉ lệ 6,4%.

01/07/2022 16:11
Bộ Y tế ‘điểm danh’ địa phương có tỷ lệ thấp tiêm mũi 3,4 vaccine COVID-19 - Ảnh 1.

Vaccine hiện tại vẫn có hiệu quả đối với các biến thể BA.4 và BA.5 - Ảnh: VGP/Hiền Minh

Cụ thể, 5 tỉnh có tỉ lệ tiêm mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1) cho người từ 18 tuổi trở lên thấp dưới 45%, gồm: Khánh Hòa (41,9%), Sóc Trăng (40%), Cà Mau (38,1%), Bình Thuận (35,4%), Hậu Giang (35,1%).

3 tỉnh có tỉ lệ tiêm mũi 3 ở nhóm từ 18 tuổi trở lên cao trên 90%, gồm: Bắc Giang (95,3%), Thanh Hóa (93,8%), Bến Tre (91,8%).

Đối với mũi tiêm nhắc lại lần 2 (mũi 4), hiện cả nước mới tiêm được 4.281.382 mũi tiêm, đạt tỉ lệ 6,4%. Bộ Y tế cũng nêu tên 5 tỉnh có tỉ lệ tiêm thấp dưới 2%, gồm: Hải Dương (1,6%), Nghệ An (1,5%), Quảng Nam (1,4%), Phú Thọ (1,2%), Bắc Kạn (0,4%). 

3 tỉnh có tỉ lệ tiêm cao, gồm: Bắc Giang (24,2%), Quảng Ninh (20,9%), Hậu Giang (15,6%).

Đối với nhóm từ 12-17 tuổi, tổng số mũi vaccine COVID-19 tiêm nhắc là 810.443 mũi tiêm. Các địa phương có tỉ lệ tiêm nhắc lại dưới 2% gồm 13 tỉnh, thành thuộc miền Bắc: Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Quảng Ninh, Nghệ An, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên; 2 tỉnh miền Trung: Quảng Nam; Bình Thuận; 9 tỉnh, thành phố miền Nam: TPHCM, Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng; Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.

Đối với nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi, kết quả tiêm mũi 1 là 5.942.269 mũi tiêm, đạt tỉ lệ 51,7%. 5 tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm thấp gồm: Vĩnh Phúc (32,5%), Đà Nẵng (26,6%), Hà Nội (26%),  Quảng Nam (25,9%), Khánh Hòa (25,7%).

3 tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm cao: Hậu Giang (96%), Sóc Trăng (86,7%), Cà Mau (79,4%).

Đối với tiêm mũi 2 ở nhóm đối tượng này, cả nước đã tiêm 2.181.582 mũi tiêm, đạt tỉ lệ 19%. 4 tỉnh có tỉ lệ tiêm thấp dưới 7% gồm: Ninh Bình, Quảng Nam, Bình Thuận, Đắk Lắk.

Cũng theo Bộ Y tế, trong những ngày gần đây tiến độ tiêm tại các địa phương đã nhanh hơn giai đoạn đầu tháng 6, mỗi ngày tiêm trên 1 triệu mũi, tỉ lệ tiêm mũi 3 tăng lên mức trên 67% (vài ngày trước đó chỉ đạt trên 64%).

Bộ Y tế ‘điểm danh’ địa phương có tỷ lệ thấp tiêm mũi 3,4 vaccine COVID-19 - Ảnh 2.

Những người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi cần phải tiêm mũi nhắc lại đúng lịch, đúng liều để duy trì miễn dịch - Ảnh: VGP/Hiền Minh

Vaccine vẫn đang hiệu quả đối với các biến thể BA.4, BA.5

Theo GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thông tin của WHO cho biết, biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%. 2 biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.

Thực tế, toàn bộ hình thái dịch tễ của nước ta từ tháng 1 cho đến nay chủ yếu là BA.2. Khi chúng ta mắc BA.2, nếu được tiêm ngừa thì chúng ta được an toàn và bệnh nhẹ. Tuy nhiên, WHO cho biết, BA.5 đã xâm nhập vào nước ta.

TS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân với tỉ lệ rất cao. Vaccine hiện tại Việt Nam đang sử dụng có hiệu quả đối với các biến thể BA.4 và BA.5. Đấy chính là lý do mà Chính phủ Việt Nam vẫn khuyến cáo người dân tiêm các mũi vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại, mũi tăng cường.

"Những gì chúng ta biết đến thời điểm hiện tại là các biến thể, các nhánh BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn. Chúng ta chưa biết chính xác liệu độc lực của nó có cao hơn không, nhưng vaccine hiện tại đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến thể BA.4 và BA.5", TS. Socorro Escalante khẳng định.

Với nỗ lực chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương, đến tháng 12/2021, và cho đến tháng 2/2022, các mũi tiêm cơ bản vaccine phòng COVID-19 ở nước ta gần như được phủ kín. Tuy nhiên, đến nay, sau 4 đến 6 tháng, miễn dịch đối với những người này là đã giảm. 

"Đặc biệt, những người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi thì miễn dịch sẽ giảm hơn nữa. Do đó, những đối tượng này cần phải tiêm mũi nhắc lại đúng lịch, đúng liều là rất quan trọng để duy trì miễn dịch, tránh dịch xâm nhập", GS.TS. Phan Trọng Lân nhấn mạnh

GS.TS. Phan Trọng Lân cũng chia sẻ, trong tương lai dịch rất khó dự đoán, vì vậy chúng ta sẽ yên tâm hơn khi đã tiêm vaccine theo hướng dẫn. Thời gian tới, nếu dịch có xâm nhập thì chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống được bảo vệ và yên bình hơn.

Hiền Minh