In bài viết

Bộ Y tế dự trù 4 tình huống phòng chống cúm A/H7N9

(Chinhphu.vn) - Bộ Y tế đã có kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam với 4 tình huống cụ thể được đặt ra. Hiện nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do cúm A/H7N9.

08/04/2013 11:20

Bộ Y tế chủ trương củng cố phòng xét nghiệm chẩn đoán xác định vi rút cúm A(H7N9)

Nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch cúm A/H7N9, Bộ Y tế dự trù 4 tình huống dịch và các giải pháp cụ thể trong từng tình huống: 1- Chưa có trường hợp bệnh trên người; 2- Có các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên người nhưng chưa phát hiện lây từ người sang người; 3- Phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ; 4- Dịch bùng phát ra cộng đồng.

Khi chưa có trường hợp bệnh trên người, ngành y tế sẽ tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân; đặc biệt thực hiện tốt việc giám sát người, động vật và hàng hóa tại cửa khẩu và khu vực biên giới; thực hiện việc kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa.

Giải pháp quan trọng khác là củng cố phòng xét nghiệm chẩn đoán xác định vi rút cúm A/H7N9 tại các Viện Vệ sinh Dịch tễ/Pasteur, xây dựng quy trình xét nghiệm, tổ chức tập huấn cho các cán bộ xét nghiệm.

Giai đoạn đầu, Bộ Y tế yêu cầu 3 Viện: Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang sẵn sàng tiếp nhận mẫu để chẩn đoán xác định cúm A/H7N9.

Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, hạn chế tử vong. Thiết lập mạng lưới các đơn vị thu dung điều trị bệnh nhân cúm A/H7N9.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, chỉ đạo giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch cúm tại địa phương. Các đơn vị dự phòng, điều trị, truyền thông trên địa bàn tăng cường giám sát, phát hiện sớm; sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân; tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống cho người dân.

Hiện Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh cúm A/H7N9 tại các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Trị, Đà Nẵng, Tây Ninh, Hà Tĩnh.

Bộ Y tế cho biết, bệnh cúm A/H7N9 do nhiễm chủng vi rút cúm A/H7N9 có nguồn gốc từ gia cầm.

Hiện nguồn lây bệnh chưa được xác định rõ ràng, chưa xác định được các yếu tố dịch tễ liên quan giữa các trường hợp mắc bệnh, mặc dù 2 trường hợp cúm A/H7N9 tại Thượng Hải (Trung Quốc) cùng một gia đình. Tuy nhiên, đặc tính của vi rút cúm A là thường xuyên biến đổi có thể thành chủng mới dễ dàng lây truyền sang người.

Lịch sử trên thế giới đã ghi nhận các dịch cúm A(H7) với nhiều trường hợp mắc và tử vong ở người.

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng.

Thanh Hoài