Bộ Y tế đã quyết định chọn giải pháp “quy định việc hiến máu là tự nguyện” đưa vào dự thảo Luật về Máu và tế bào gốc. Ảnh: VGP/Thúy Hà |
Ông Quang lý giải, đề xuất “quy định bắt buộc hiến máu” chỉ là một trong những giải pháp được đưa ra thảo luận trong báo cáo đánh giá tác động chính sách đối với dự thảo Luật về Máu và tế bào gốc. Tuy nhiên, sau khi đánh giá, nghiên cứu xã hội học trên 1.600 người dân tại 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng trên cả nước, chỉ có 30,25% đồng ý; 837 người không đồng ý với giải pháp này, chiếm 69,75%.
“Đã là thảo luận thì có giải pháp nào chúng tôi đều phải đưa ra. Tuy nhiên, khi đưa bất kỳ nội dung nào vào dự thảo Luật, chúng tôi cũng thảo luận kỹ lưỡng và quyết định giải pháp quy định việc hiến máu là tự nguyện vào dự thảo”, ông Quang cho biết.
Cũng theo đại diện Bộ Y tế, nếu “bắt buộc người dân hiến máu”, thì chi phí đi lại mà người dân phải bỏ ra cho một lần đi hiến máu trong một năm là trên 588 tỷ đồng.
Đặc biệt, nếu quy định bắt buộc người dân hiến máu sẽ xuất hiện một lượng máu dư thừa khá lớn không cần thiết là khoảng 28 triệu đơn vị máu. Vì theo tính toán của WHO, mỗi năm một quốc gia cần khoảng 2% dân số hiến máu, tương đương với 18,2 triệu đơn vị máu. Nếu nước ta quy định nghĩa vụ hiến máu của công dân thì mỗi năm sẽ có khoảng 46 triệu đơn vị máu, thừa 28 triệu đơn vị.
Ngoài ra, nếu quy định bắt buộc người dân hiến máu cũng làm tăng chi phí của xã hội lên gấp đôi so với quy định hiến máu là tự nguyện.
Từ những phân tích trên, Bộ Y tế đề xuất lựa chọn giải pháp hiến máu là tự nguyện vì phù hợp với thực tiễn và phù hợp với pháp luật quốc tế, cũng như không gây tốn kém không cần thiết cho Nhà nước và xã hội.
Cũng theo dự thảo Luật về Máu và tế bào gốc, lần đầu tiên Bộ Y tế đề xuất việc xuất, nhập khẩu máu, chế phẩm máu và tế bào gốc. Theo đó, việc xuất khẩu máu, chế phẩm máu chỉ được thực hiện bởi trung tâm máu quốc gia. Việc xuất khẩu tế bào gốc chỉ được thực hiện bởi các cơ sở khám chữa bệnh được Bộ Y tế cho phép thực hiện việc ghép tế bào gốc, cơ sở nghiên cứu đã được Hội đồng đạo đức hoặc Bộ Y tế cho phép thực hiện nghiên cứu về tế bào gốc, ngân hàng tế bào gốc.
Dự thảo Luật cũng đề xuất, chỉ được nhập khẩu máu, chế phẩm máu trong trường hợp số lượng máu, chế phẩm máu không đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ tình trạng khẩn cấp về y tế; chỉ được phép nhập khẩu tế bào gốc được lấy từ nguồn phôi thai trong trường hợp: Sử dụng cho dự án nghiên cứu chuyên biệt, tế bào được lấy từ phôi mà được tạo ra để phát triển thành thai nghén nhưng không thể sử dụng cho mục đích đó và cặp vợ chồng là chủ sở hữu phôi đó đã tự nguyện đồng ý với việc sử dụng phôi cho mục đích nghiên cứu và không nhận bất cứ một khoản tiền nào.
Thúy Hà