Trong đó, gói thầu số 1 cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Bắc giai đoạn 2022-2023 gồm 46 nhà thầu có sản phẩm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tiếp tục được mở Hồ sơ đề xuất tài chính.
Gói thầu số 2 cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2022-2023 gồm 45 nhà thầu có sản phẩm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tiếp tục được mở Hồ sơ đề xuất tài chính.
Gói thầu số 3 cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Nam giai đoạn 2022-2023, gồm 45 nhà thầu có sản phẩm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tiếp tục được mở Hồ sơ đề xuất tài chính.
Dự kiến, trong tháng 7/2022, Trung tâm sẽ công bố kết quả lựa chọn nhà thầu.
Trong đợt đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia năm nay, đại diện Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia cho biết, có tăng về số lượng thuốc và giá thuốc ở tất cả các vùng miền. Cụ thể, sau 2 năm chống dịch, nhu cầu người dân đi khám, chữa bệnh quay trở lại, vì vậy số lượng thuốc gia tăng, thậm chí có thuốc có đơn vị mua với số lượng gấp đôi (200%). Số lượng thuốc này nếu so với năm 2020 và 2021 (trong giai đoạn dịch) thì lớn hơn rất nhiều, nhưng so với năm 2018 thì chỉ là tương đương, không có biến động.
Theo kế hoạch, việc công bố kết quả lựa chọn nhà thầu (giai đoạn 2022-2023) phải hoàn thành đầu năm 2022 để làm cơ sở cho các cơ sở y tế ký kết hợp đồng và nhập thuốc phục vụ cho nhu cầu điều trị. Tuy nhiên, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia lý giải, do một số tình huống trong đấu thầu phải báo cáo lãnh đạo Bộ nên kế hoạch không thể triển khai theo đúng thời gian.
Các thuốc trong danh mục thuốc đấu thầu cấp quốc gia là những thuốc có chi phí lớn và thuốc có số lượng sử dụng nhiều (như thuốc kháng sinh, thuốc tim mạch, thuốc điều trị tiểu đường, thuốc điều trị ung thư…) nhằm phát huy tối đa hiệu quả của công tác đấu thầu tập trung và đưa giá thuốc về mức hợp lý.
Bên cạnh danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ Y tế mới đây đã đề nghị các địa phương, đơn vị phải chủ động tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hoá, dịch vụ, xử lý tình huống theo thẩm quyền, tuân thủ đúng quy định và các văn bản hướng dẫn hiện hành về công tác đấu thầu.
Bộ Y tế nhấn mạnh, thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh và phòng chống bệnh dịch.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia khẩn trương hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, danh mục đàm phán giá đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Trường hợp cần thiết, căn cứ khoản 1 điều 18 Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, Trung tâm tiếp tục có văn bản thông báo để các cơ sở y tế có đủ căn cứ xác định nhu cầu, số lượng, thời gian thực hiện hợp đồng, bảo đảm đúng quy định.
Giá kế hoạch năm nay không được vượt quá giá trúng thầu cao nhất được hiểu như nào?
Cũng theo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, tại Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đơn vị phải tham khảo giá thuốc trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế, đơn vị mua sắm tập trung do Cục Quản lý Dược công bố trên trang Thông tin điện tử để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng thuốc theo nguyên tắc: Giá kế hoạch của từng thuốc không được cao hơn giá trúng thầu cao nhất của thuốc đó trong mỗi nhóm tiêu chí kỹ thuật đã được công bố.
Điều này được hiểu là các thuốc có cùng hoạt chất, nồng độ hàm lượng và cùng nhóm tiêu chí kỹ thuật trong vòng 12 tháng thường có một dải giá trúng thầu do các cơ sở mua với số lượng khác nhau, trúng thầu tại các thời điểm khác nhau. Các kết quả này sẽ được công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý dược. Theo đó, các cơ sở thực hiện đấu thầu sẽ phải tham khảo dải giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước đó trên phạm vi cả nước và không được vượt giá cao nhất trên toàn quốc, không có quy định cơ sở y tế phải tham khảo giá trúng thầu năm trước của chính cơ sở y tế đó.
Ngoài ra, Thông tư 15/2019/TT-BYT cũng quy định đối với những thuốc có giá tại thời điểm lập kế hoạch cao hơn giá trúng thầu được Cục Quản lý Dược công bố trong vòng 12 tháng trước đó, cơ sở y tế phải tham khảo báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của ít nhất 3 đơn vị cung cấp trên thị trường tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, các Hội đồng đấu thầu thường không áp dụng quy định này do e ngại rủi ro, vướng mắc trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát và thanh toán sau khi sử dụng kết quả trúng thầu.
Thiếu thuốc ARV do đâu?
Liên quan đến việc thiếu thuốc ARV điều trị bệnh nhân HIV, đại diện Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia chia sẻ, năm 2022, trên 92% số lượng bệnh nhân HIV đã được cung cấp thuốc để điều trị theo kết quả đàm phán giá được phê duyệt vào tháng 3/2022; dưới 8% số lượng bệnh nhân còn lại cần nhu cầu 11 thuốc ARV mua sắm theo hình thức đấu thầu tập trung cấp Quốc gia. Theo đó, Trung tâm chỉ phê duyệt được kết quả trúng thầu của 5/11 thuốc, trong đó 4/5 thuốc có giá trúng thầu bằng giá kế hoạch vì chỉ có một nhà thầu cung cấp; 1 thuốc còn lại thấp hơn giá kế hoạch; 2/11 thuốc không có nhà thầu dự thầu; 1 thuốc không đạt về tiêu chuẩn kỹ thuật; 1 thuốc không bảo đảm khả năng cung ứng khi trúng thầu; 2 thuốc có giá dự thầu vượt giá kế hoạch 14% nên hủy thầu.
Nguyên nhân của tình trạng này là do gói thầu cung cấp thuốc điều trị HIV/AIDS có số lượng không nhiều, nhà thầu trúng thầu phải cung ứng trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu dẫn đến chi phí đầu vào tăng, nhà sản xuất không đủ chi phí để sản xuất thuốc với giá kế hoạch căn cứ theo giá trúng thầu năm trước hoặc tại một cơ sở y tế.
Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc điều trị HIV/AIDS cung cấp cho các cơ sở y tế, Trung tâm đã phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề nghị các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ cho bệnh nhân nhiễm HIV Việt Nam trong năm 2022.
Trước mắt, Trung tâm tiếp tục tổ chức đấu thầu các thuốc điều trị HIV/AIDS cho các cơ sở y tế sử dụng cho năm 2023. Tuy nhiên, nếu việc lựa chọn nhà thầu tiếp tục không khả thi, về lâu dài, Trung tâm sẽ kiến nghị Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành khác có liên quan ban hành cơ chế, chính sách để triển khai công tác mua sắm quốc tế đối với các thuốc này thông qua các tổ chức quốc tế nhằm bảo đảm thuốc cho nhu cầu điều trị.
Cũng trong danh mục thuốc đấu thấu tập trung cấp Quốc gia năm nay, có 5-6 thuốc không có nhà thầu tham dự.
Sau lần đầu triển khai thực hiện đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia (năm 2017), Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia cho biết, đã có những hiệu quả nhất định như giá thuốc giảm đáng kể (có những thuốc giảm trên 50% so với giá kế hoạch); công tác điều tiết thuốc trúng thầu giữa các cơ sở y tế trong cùng tỉnh/thành phố hoặc khác tỉnh/thành phố nhưng trong cùng gói thầu cũng phát huy tối đa những mặt tích cực vừa giúp đáp ứng thuốc cho nhu cầu điều trị một cách nhanh chóng (thủ tục đơn giản hơn nhiều so với quy trình đấu thầu mà các cơ sở y tế phải thực hiện khi thiếu thuốc) vừa tăng tỷ lệ sử dụng số lượng thuốc trúng thầu hợp lý hơn.
Hiền Minh